Sau vài trận mưa xuân nhẹ như tơ, rừng trúc bên cạnh sân nhỏ đã đâm chồi lá mới, lớp băng trên mặt sông tan chảy, nước chuyển sang sắc xanh nhạt. Dương khí bắt đầu sinh sôi, nước sông xuân ấm lên, trăm loài cỏ cây đâm chồi, khắp mặt đất tràn đầy sức sống. Thôn Sơn Tú đón tiết khí *****ên của năm mới – tiết lập xuân.
Thôn Sơn Tú bắt đầu một năm bận rộn, nhà nào nhà nấy đều tất bật cày bừa xới đất, chuẩn bị kịp thời cho vụ gieo trồng mùa xuân.
Diệp Khê và Lâm Tướng Sơn đang ngồi xổm trong vườn rau nhà mình nhổ cỏ dại, gặp rau tề và rau sam mới nhú mầm thì tiện tay bỏ vào giỏ, để lát nữa mang về nấu ăn.
“Cải hoa, ớt, dưa chuột, cà chua, cà tím, đều trồng một ít. Mình xem còn thiếu gì không, để em đi tìm Ly ca nhi mua ít cây giống về.” Diệp Khê vừa nhổ cỏ vừa nói.
Lâm Tướng Sơn nói: “Hay trồng thêm đậu đũa nữa đi, muối dưa ăn cho ngon.”
Diệp Khê mỉm cười: “Quên khuấy mất cái này, lúc mua giống chẳng nhớ ra. Ngày mai em đi tìm Ly ca nhi, bảo cậu ấy để dành cho em hơn chục cây.”
Hai người làm cỏ vườn, xới lại đất và bón phân thực vật, xong xuôi sẽ bắt đầu trồng từng cây giống theo luống. Làm xong thì đã gần trưa, Diệp Khê mở nắp vại đậy hẹ ra.
Đó là hẹ còn sót lại từ mùa đông, được ủ thành hẹ vàng nhạt như lông ngỗng.
“Hôm nay có lộc ăn rồi, em nấu món thịt xào hẹ vàng nhé, quanh năm cũng chỉ ăn được vài lần thôi.”
Lâm Tướng Sơn vừa dùng cuốc san đất vừa gật đầu: “Được, ăn xong chiều anh đi xem thử mảnh đất mới mua, tranh thủ dắt trâu đi cày, tích phân cho kịp, có vậy mới gieo được giống.”
Diệp Khê biết vụ xuân rất bận rộn, liền vội vàng cắt hẹ vàng mang về sân nhỏ nấu cơm.
Hẹ vàng tươi non, có hương rượu nhè nhẹ, chỉ cần xào với hai ba trái ớt muối và gừng là đủ ngon rồi. Thịt heo được áo bột năng, xào lên thơm nức. Lại xào thêm một đĩa trứng với đọt thanh hao non, hai người ngồi trong sân nhỏ bắt đầu ăn cơm.
Nắng xuân ấm áp, chiếu đến mức khiến người ta nheo mắt, cả thân thể cũng thoải mái không nói nên lời. Gió xuân thổi qua, lá trúc xoay vòng rơi xuống sân, Diệp Khê gắp thịt cho Lâm Tướng Sơn, hỏi: “Mình đã nghĩ kỹ chưa, mảnh đất mới đó ta trồng gì?”
Lâm Tướng Sơn đã có tính toán sẵn: “Trồng khoai lang với khoai tây đi, hai mẫu đất trồng hai loại là vừa.”
Diệp Khê cắn đũa, có chút khó hiểu vì sao không trồng lúa mì, hoặc là dẫn nước vào rồi cấy lúa. Đó mới là lương thực thật sự, làm ra bột mì trắng, bán cho tiệm gạo cũng được giá cao.
Dù khoai lang và khoai tây năng suất cao, nhưng mấy năm nay triều đình giảm thuế, lương thực trong nhà nông cũng bắt đầu dư dả hơn, người ta càng ngày càng ít ăn loại lương thực thô này. Người trồng cũng thưa dần, chỉ khi thiếu cỏ mới lấy chút ít cho gia súc ăn.
Lâm Tướng Sơn nhìn ra vẻ nghi hoặc của phu lang nhà mình, liền cười nói: “Miếng đất đó năm nay là vụ *****ên, mình cứ trồng khoai lang với khoai tây cho đất nghỉ ngơi đã. Nhà mình giờ cũng có thêm mấy con gia súc, khoai lang với khoai tây còn có dây, đến lúc đó cắt về cho trâu ăn, khỏi để em ngày nào cũng phải đi cắt cỏ.”
Diệp Khê thấy có lý, khẽ gật đầu.
“Với lại, nhà mình chưa tích trữ được nhiều lương thực. Cuối xuân đầu hạ thu hoạch lúa mì vụ đông về, cũng chỉ đủ cho hai ta ăn đến cuối năm. Nếu năm nay mùa hạ gặp thiên tai, hạn hán hay ngập úng, thì cả năm chỉ có một vụ lương thực mà ăn, không có để tích trữ, mùa đông sẽ khốn đốn. Sang năm lúc giáp hạt, e còn phải bỏ tiền ra mua. Khoai lang khoai tây thì ngắn ngày, mình tranh thủ trồng được hai vụ trong năm nay. Tuy bán không được giá, nhưng hai vụ gom lại cũng đủ đổi lấy gạo trắng với bột mì cho hai ta ăn.”
Lúc này Diệp Khê mới hiểu rõ tính toán của phu quân, đây quả là cách ổn thỏa nhất. Hai người thành thân chưa được một năm, nhà mới vừa dựng, ruộng đất cũng không nhiều như nhà khác, trong kho cũng chưa có hạt thóc cũ nào để dành, thế nên càng phải tính trước hơn người ta.
Cơm nước xong, Lâm Tướng Sơn liền dắt trâu đi cày. Làm xong đợt này, còn phải bón phân tưới nước cho lúa mì nữa.
Nắng đầu giờ chiều dần gay gắt hơn, tuy chưa gắt gỏng nhưng cũng khiến người ta khô miệng khát nước. Diệp Khê liền pha ít nước vỏ quýt khô, là mấy vỏ quýt phơi khô từ mùa đông để làm mứt, nay còn dư chút ít lấy ra pha nước uống, điều khí kiện tỳ, tiêu ẩm giải nhiệt, đúng là loại nước thích hợp uống mùa xuân.
Khóa cổng viện lại, cậu xách bình nước đi đưa cho Lâm Tướng Sơn. Trên đường, gặp không ít người trong thôn vác cuốc ra đồng. Thời tiết mùa xuân ấm áp, ai cũng đã bỏ lớp áo bông dày cộm, nhìn người nào người nấy cũng phấn chấn hẳn lên.
“Khê ca nhi đi đâu đó?” Một thúc trong thôn vừa đi qua vừa cười hỏi.
Diệp Khê đáp: “Đi đưa nước cho chồng cháu, anh ấy đang cày ruộng ạ.”
“Miếng đất mà thằng Lâm mới mua đó hả?”
“Vâng, tranh thủ xới đất sớm để kịp gieo hạt.”
Ông cười khen: “Giỏi lắm, đã mua được đất rồi, hai vợ chồng sống yên ổn rồi đấy.”
Một thím bên cạnh tay xách giỏ đi hái rau dại cũng nói chen vào: “Chậc, nhà người ta còn mua cả trâu nữa đó, một con trâu nước khỏe mạnh, còn to hơn con nhà ông hai Lưu. Khê ca nhi, lát nữa nhớ nói chồng cháu qua giúp thím cày miếng ruộng nước với.”
Nhà ai trong thôn có trâu thì đều nhận cày đất giúp người khác, tiền tính theo mẫu, mùa vụ bận rộn như xuân canh hạ chủng, một ngày cũng có thể kiếm vài chục đến cả trăm văn tiền.
Diệp Khê sảng khoái đáp: “Nhớ rồi thím ơi, cháu về sẽ dặn ảnh liền, nhất định không để trễ ruộng nhà thím đâu.”
“Ừ ừ ừ, tốt quá.”
Người trong thôn chào hỏi qua lại một vòng, trò chuyện vài câu rồi ai lại lo việc ruộng vườn nhà nấy.
Gió xuân nhẹ lướt qua, những nhành liễu trên bờ đê rủ xuống mềm mại, hoa dại đủ sắc màu nở khắp ruộng đồng, những đóa cúc tím nở rộ trông đặc biệt đẹp mắt.
Diệp Khê đi đến mảnh ruộng nhà mình, thấy Lâm Tướng Sơn đang giẫm lên lưỡi cày, tay vung roi tre điều khiển trâu xới đất.
“Lúc ra khỏi nhà mình quên mang túi đựng nước rồi, em đem bình nước tới cho mình đây, kẻo khát quá thì khổ.”
Lâm Tướng Sơn cày xong một luống đất mới ngồi xuống uống nước, nước pha trần bì ngọt thanh, hắn uống một hơi hết nửa bình.
“Vừa rồi gặp mấy chú thím trong thôn, họ nói muốn mình giúp họ cày đất đấy.” Diệp Khê đưa khăn lau mồ hôi cho hắn.
Lâm Tướng Sơn nhận lấy lau trán: “Đợi hai hôm nữa bón phân tưới nước xong lúa mì sẽ qua, làm mấy việc ấy cũng kiếm thêm ít bạc, tiền để dành nhà ta cũng không còn bao nhiêu.”
Diệp Khê thương hắn suốt ngày lo toan, dịu giọng nói: “Nhà ta vẫn còn bạc đủ dùng mà. Mình đừng lo quá, vừa mới mua đất, mua trâu, cuộc sống đỡ hơn rồi. Lát nữa em định sang nhà thím Vương mua vài con thỏ về nuôi. Mấy hôm trước mình làm xong chuồng rồi, nuôi đến mùa thu là có thêm một lứa đó.”
Hai người ngồi nói chuyện một lúc bên bờ ruộng, rồi Diệp Khê xách giỏ đi sang nhà Vương thị.
Nhà bà ấy xưa nay vẫn là hộ nuôi thỏ lớn nhất trong thôn, ít nhất cũng phải mấy trăm con, đến mùa đông bán lông thỏ cũng thu được một khoản tiền kha khá. Nhưng Diệp Khê không định nuôi đến mấy trăm con như vậy, chỉ tính nuôi mười con trở lại, có thể đem bán hoặc giết thịt, nuôi đến mùa đông còn có thể dùng lông may áo bông mặc, may thêm cái mũ giữ ấm.
Vương thị nhớ chuyện lần trước Diệp Khê giúp nhà bà thêu chăn cưới, nghe nói cậu muốn mua vài con thỏ đem về nuôi, liền sảng khoái đồng ý ngay.
Bà dẫn Diệp Khê đến chuồng thỏ trong sân cho cậu chọn kỹ: “Có lông xám, đen cũng có, nhiều nhất là trắng. Cái lồng bên cạnh kia cũng có, con thích màu gì thì nói. Thỏ trắng là đắt nhất đấy vì lông nó đẹp, phải hai mươi văn một con, nhưng thím biết con là người tốt, lần trước lại giúp thím việc lớn, nên tính con mười lăm văn một con thôi.”
Diệp Khê cảm kích nói: “Vậy con xin cảm ơn thím, thỏ nhà thím lông mượt và bóng thế này, chắc chắn là giống tốt. Con lấy năm con trắng, ba con đen là được, nuôi nhiều quá cũng không kham nổi.”
Trong nhà còn có trâu, lại mới mua thêm hai con heo con, gà vịt cũng phải nuôi vài con, không thì đến trứng cũng không có mà ăn.
Vương thị liền vào chuồng bắt ra tám con thỏ, đậy kín trong giỏ cho cậu: “Thỏ mới một tháng tuổi, dễ nuôi lắm.”
Diệp Khê đón lấy giỏ, đưa bà một xâu tiền: “Vâng, con sẽ chăm sóc chúng thật tốt.”
Từ nhà Vương thị đi ra, Diệp Khê xách giỏ đi về phía sườn núi, lũ thỏ trong giỏ lông mềm mịn, cậu cúi đầu sờ thử, trong lòng thầm tính lát nữa về sẽ đi cắt ít cỏ tai thỏ cho chúng ăn.
Bất ngờ từ con đường nhỏ phía trước có người bước ra chặn lối, khiến mí mắt Diệp Khê giật liên hồi.
Nhìn kỹ lại, thì ra là Tào Bân, mặt Diệp Khê lập tức lạnh xuống: “Ngươi đến đây làm gì?”
Tào Bân mấy hôm nay ngày đêm nghĩ đến Diệp Khê, đến mức vào thanh lâu gặp hoa khôi cũng chẳng thấy đẹp nữa. Gã cười cười: “Khê ca nhi, ta đến thăm ngươi, nhớ năm xưa hai ta từng đính ước với nhau…”
Diệp Khê lùi lại một bước, nén lại nỗi chán ghét trong lòng: “Hôn sự sớm đã kết thúc rồi, là cha mẹ ngươi đưa người tự đến nhà ta hủy hôn, nay ta đã có chồng, ngươi cũng đã cưới vợ, còn dây dưa với ta làm gì!”
Tào Bân li.ếm môi, vội nói: “Hồi ấy hủy hôn không phải ta muốn đâu, là mẹ ta ép, ta không có cách nào khác! Trong lòng ta vẫn có ngươi mà!”
Diệp Khê nhổ một ngụm, chỉ hận không thể mắng cho gã một trận tan tành: “Ngươi đúng là không biết xấu hổ! Có phải thấy mặt ta bây giờ khỏi rồi, liền nổi lòng xấu muốn quấn lấy? Ta khuyên ngươi từ nay về sau đừng xuất hiện trước mặt ta nữa! Ngươi đã có vợ thì nên lo mà một lòng một dạ với phu lang nhà mình đi!”
Tào Bân trong lòng hối hận khôn nguôi, gã cưới Yêu ca nhi về, ngày nào cũng lục đục chưa nói, giờ nhìn lại thấy Diệp Khê quả thật hơn đứt ca nhi ở nhà. Gã nghĩ, nếu năm đó không hủy hôn thì giờ Khê ca nhi chính là phu lang của gã, đâu đến nỗi lại rơi vào tay gã dân quê họ Lâm kia!
“Khê ca nhi, ngươi nghe ta nói, trong lòng ta chẳng hề để ý đến Yêu ca nhi kia, hắn còn chẳng bằng một ngón tay của ngươi. Ngày trước nếu không phải hắn ép ta cưới hắn, ta nhất định chẳng để hắn lọt vào cửa. Nay thi xuân sắp đến, ta tin mình sẽ đỗ tú tài, mai này có chức quan, sẽ còn thăng tiến cao hơn. Nếu ngươi theo ta thì đời sau sẽ sung túc, không còn phải vất vả làm ruộng, chỉ việc ung dung hưởng thụ, có kẻ hầu người hạ.”
Diệp Khê cười lạnh, mặt đầy vẻ mỉa mai: “Ta không có phước hưởng những điều đó đâu, chỉ là người quê chân lấm tay bùn, phải tranh thủ từng bữa ăn nơi ruộng đồng mà thôi. Những thứ đó cứ để dành cho người khác đi, sau này đừng xuất hiện làm phiền ta nữa!”
Nói xong, Diệp Khê quay bước định rời đi. Tào Bân sốt ruột, đã nhiều lần tìm cách gặp cậu, cuối cùng mới đúng lúc cậu ra khỏi nhà một mình, chỉ muốn gần gũi nói chuyện.
Hắn vươn tay muốn níu Diệp Khê lại, nhưng cậu nhanh chóng tránh ra, lùi lại hai bước, ánh mắt sắc bén nghiêm nghị nhìn hắn, cảnh cáo: “Ngươi mà dám động vào ta, ta liền chặt tay ngươi! Nếu ngươi còn không đi, ta sẽ gọi người đến bắt kẻ lăng nhăng như ngươi. Xem ngươi còn thi xuân được nữa không?”
Tào Bân thấy thái độ cứng rắn của cậu, lại càng cảm thấy Diệp Khê vừa khó đoán vừa hấp dẫn, từ từ tiến lên: “Đừng sợ, ta chỉ muốn nói chuyện với ngươi thôi.”
Diệp Khê không hề hoảng sợ, đứng yên tại chỗ, lạnh lùng nhìn hắn tiến lại gần, rồi nhanh tay rút chiếc trâm gỗ trên đầu, vung một đường sắc lẹm lên mặt hắn, máu lập tức thấm ướt mũi trâm nhọn.
Chỉ nghe tiếng Tào Bân thét lên đau đớn, lấy tay ôm mặt, một vệt máu dài hiện rõ trên má trái, máu rỉ ra giữa các kẽ ngón tay.
Diệp Khê lạnh lùng nói: “Nếu ngươi bước thêm một bước nữa, ta sẽ gạch nát mặt ngươi. Nếu còn không đi, dân làng qua lại nhìn thấy, danh tiếng ngươi sẽ không còn.”
Tào Bân nhìn cậu, biết đây không phải người dễ bị khuất phục, mà là người có chính kiến vững vàng: “Được, ngươi có bản lĩnh. Ta cũng không chỉ thích mỗi ngươi. Nếu sau này ta thành danh, đừng có đến cầu xin ta.”
Diệp Khê nhấc mắt, lạnh lùng thốt một tiếng: “Cút.”
Hết chương 70.