Một Ngày Ba Bữa - Phần Nam

Chương 45



Về đến nhà, Diệp Khê liền vào bếp xử lý ớt cá chạch và mấy quả mướp non, còn Lâm Tướng Sơn thì ngồi ngoài sân rửa sạch đám hến.

Bởi vì bùn ở đáy sông nhiều, lúc mò hến không tránh khỏi mang theo cả một đống bùn cát, lắng lại thành một lớp dày dưới đáy chậu.

Phải dùng nước rửa đi rửa lại nhiều lần, rồi cho thêm ít dầu cải vào chậu, hến gặp dầu sẽ tự động há miệng, thuận tiện nhả sạch bùn đất ra ngoài.

Diệp Khê thì lấy chảo rang mớ ớt cá chạch, mùi cay hăng hắc xông lên làm cậu phải bịt mũi miệng lại, vừa đảo vừa ho sặc sụa.

Lâm Tướng Sơn nghe thấy liền đi vào bếp, đứng sau lưng phu lang, đưa tay che mũi miệng cậu lại: “Sặc thế này, mai mốt đừng làm nữa.”

Khóe mắt Diệp Khê đỏ lên, ho đến nỗi đôi mắt ươn ướt.

Có hắn che cho, cậu thấy dễ chịu hơn nhiều, mùi cay không xộc thẳng vào mũi nữa.

Cậu lại rắc chút muối vào nồi, thêm tí xíu nước tương, rồi xúc mớ ớt cá chạch đã rang đến mức cháy xém ra đĩa.

“Chắc phải đến mùa thu năm sau mới lại được ăn món này, mỗi năm giống ớt này chỉ ra đúng một lứa thôi. Tuy cay nhưng rang mềm ra ăn với cơm thì ngon lắm.”

Lâm Tướng Sơn vốn ăn được cay, ngửi thấy mùi thơm cũng thấy thật hấp dẫn.

Diệp Khê quay sang hỏi: “Hến đã rửa xong chưa?”

Lâm Tướng Sơn gật đầu, đi ra sân đổ sạch nước trong chậu gỗ, lại rửa thêm một lần nữa. Mớ hến đã há miệng gần hết.

Hắn dùng rổ tre vớt hến lên, đem vào bếp đưa cho Diệp Khê.

“Nhiêu đây nấu canh chắc không hết, phần còn lại để em nấu miến hến cho mình ăn.”

Lâm Tướng Sơn ngồi xuống trước bếp lò nhóm lửa, nai con cũng lững thững bước vào theo, trước kia nó còn sợ Lâm Tướng Sơn vì hắn là người đã bắt nó, quanh quẩn trong sân toàn chạy trốn, nhưng thời gian trôi qua, nó cũng không còn sợ nữa.

Thấy Lâm Tướng Sơn đang nhai một củ cà rốt, nó rón rén cuộn tròn lại bên cạnh chân hắn, ngoan ngoãn cùng ngồi trước bếp lò, ánh sáng lửa hồng nhảy nhót chiếu lên một người một thú.

Lâm Tướng Sơn làm bộ như không thấy nó, cứ tiếp tục nhai củ cà rốt rôm rốp, khiến nai con nhìn chằm chằm không chớp mắt.

Đến lúc này hắn mới chìa củ cà rốt ra, nai con há miệng định cắn thì lại rụt tay về, cứ thế trêu chọc nó vài lần.

Diệp Khê không nhìn nổi, cười mắng: “Cứ như con nít vậy đó.”

Chọc chán rồi, Lâm Tướng Sơn mới nhét nửa củ cà rốt còn lại vào miệng con nai, tiện tay xoa đầu nó một cái.

Nai con được như ý, ngậm lấy cà rốt gặm ngon lành.

Diệp Khê xào hến sơ qua, cho thêm vài lát gừng rồi đổ nước sôi vào. Không bao lâu sau, mùi thơm đã bay khắp gian bếp. Hơi nước bốc lên mờ mịt, đợi khi nước sôi lần nữa, cậu thả mướp vào, nước canh trắng ngần sóng sánh, cậu thêm vài quả kỷ tử đỏ tươi cho đẹp mắt, rồi đặt nồi sang lò đất nấu tiếp.

Lúc này, miến đã được ngâm nước nóng mềm trong. Cậu lấy tay nhấc lên, sợi miến tuột qua kẽ tay lành lạnh.

Cho tỏi băm vào nồi phi thơm, rồi thêm một nắm ớt băm đỏ rực, cay nồng do cậu tự trồng, xào đến khi dậy mùi mới đổ hến vào. Từng con hến đã há miệng được trộn đều với tỏi ớt, đảo liền tay một lúc, rồi chế chút nước vào thành nồi, đậy nắp lại nấu tiếp.

Lâm Tướng Sơn đem đôi giày mình mang hôm nay ra hong bên bếp: “Làm việc đổ mồ hôi, ướt cả miếng lót giày mình may cho anh.”

Diệp Khê đứng bên cạnh hỏi han: “Có phải mỏng quá không? Em cũng nghĩ thời tiết lạnh rồi, phải may miếng lót dày hơn mới hút mồ hôi, chứ không trong giày vừa lạnh vừa ẩm. Dù gì nhà mình cũng còn mấy bộ đồ cũ mình không mặc nữa, để em cắt ra, dán thêm hồ rồi may cho mình vài đôi dày hơn.”

Hai người thủ thỉ với nhau đôi câu chuyện nhà, một lúc thì hến trong nồi cũng đã chín. Diệp Khê trải miến lên mặt hến, thêm chút xì dầu, vài giọt giấm rồi đậy nắp đun tiếp.

Đến khi mở nắp ra lần nữa, sợi miến đã thấm đẫm nước dùng, hến cũng đã chín nục, nằm trong lớp nước tỏi cay nồng, thơm đến nuốt nước miếng.

Bữa tối của hai người có một đĩa ớt cá chạch rang cùng cải muối, một đĩa miến xào hến, thêm một tô canh mướp.

Diệp Khê có thói quen ăn cơm phải uống canh trước, canh mướp nấu với hến có vị ngọt thanh vô cùng, mới uống một hớp đã thấy thoải mái đến díp cả mắt lại, cậu cũng múc cho Lâm Tướng Sơn một chén.

“Mai em phải đi một chuyến lên trấn bán mớ khăn thêu.” Diệp Khê báo trước.

Việc chi tiêu trong nhà đều do Diệp Khê làm chủ, Lâm Tướng Sơn chỉ ừ một tiếng coi như đã biết.

“Em đã hứa với thím Vương sẽ thêu cho con gái bà ấy hai tấm chăn cưới, thời gian hơi gấp rút, phải tranh thủ làm cho kịp. Mấy ngày này chắc mình phải cho heo ăn giúp em rồi.”

Lâm Tướng Sơn xót vợ, chau mày nói: “Cho heo ăn thì không vấn đề gì, nhưng mình có vất vả quá không? Thêu lâu thì hại mắt lắm, anh sợ mình mệt mỏi quá mà ảnh hưởng sức khỏe. Về sau đừng nhận những việc kiểu này nữa, tuy tiền nhiều nhưng cực thân. Anh cũng có thể kiếm ra tiền, mình phải giữ gìn thân thể cho tốt mới được.”

Hắn hiểu rất rõ việc thêu thùa vất vả đến nhường nào. Thuở nhỏ nhà nghèo, cha còn chưa làm ăn phát đạt, trong nhà chỉ trông vào mấy mẫu ruộng cằn cỗi để sống qua ngày. Mẹ vì muốn dành dụm tiền trang trải sinh hoạt, lại còn chắt chiu để mua đất xây nhà, nên ngày đêm đều cặm cụi thêu thùa. Mẹ vốn người phương Nam, tay nghề tinh xảo, đường kim mũi chỉ vô cùng tỉ mỉ, là một trong những phái thêu hiếm thấy ở vùng Bắc Xuyên. Từ nhỏ hắn đã quen với cảnh dưới ánh đèn dầu lập loè, mẹ cẩn thận khâu từng mũi kim, một bông mẫu đơn cũng phải thêu mất một hai canh giờ. Về sau, đôi mắt của mẹ vì vậy mà hỏng, không chịu nổi gió, hễ trời tối là rơi lệ không thôi, chẳng còn nhìn rõ nữa.

Sau này, nghe tin hắn tử trận, mẹ mòn mỏi ngày đêm, khóc đến hoàn toàn mù lòa, thân thể cũng vì vậy mà suy sụp, rồi chẳng bao lâu thì qua đời.

Giờ đây, hắn không muốn phu lang của mình cũng phải chịu khổ sở vì thêu thùa đến hao tổn thân thể như thế nữa.

Hiếm khi thấy hắn nghiêm mặt như vậy, Diệp Khê không khỏi siết chặt tay hắn, khẽ gật đầu đáp: “Chỉ lần này thôi, thím Vương đối xử với em rất tốt, em không tiện từ chối. Về sau nhàn rỗi thì em mới thêu khăn, sẽ không nhận việc như thế nữa đâu.”

Nghe được lời hứa của phu lang, Lâm Tướng Sơn mới yên lòng, hai người cùng nhau ăn tối.

Chăn đệm ban ngày đem ra phơi nắng, mềm mại tơi xốp, tỏa mùi nắng ấm dễ chịu, đắp lên người rất thoải mái. Diệp Khê biết phu quân mình thuộc dạng “nội hỏa vượng”, đắp chăn dày sẽ bị nóng, nên chuẩn bị sẵn cho hắn một tấm chăn mỏng hơn.

Từ khi thành thân đến nay, hai người vẫn đắp chung một tấm chăn. Bất chợt thấy giường có hai cái, Lâm Tướng Sơn sững người, lông mày chau lại, thoạt nhìn có vẻ không vui.

Diệp Khê vội vàng giải thích: “Người em yếu ớt sợ lạnh, dù mới lập đông nhưng đắp chăn mỏng là chịu không nổi. Mình thì thân thể cường tráng, đắp cùng em sợ lại chảy mồ hôi, gặp gió sẽ dễ cảm lạnh. Chi bằng trước cứ mỗi người một tấm vậy.”

Lâm Tướng Sơn không đồng ý, trước kia hắn ngủ thế nào cũng được, nhưng sau khi thành thân, ngày ngày đều ôm phu lang mềm mại, trong chăn vừa ấm áp vừa dễ chịu, làm sao mà tách ra được. Hắn không cho phép bất cứ thứ gì ngăn giữa hắn và phu lang.

Dù chỉ là một tấm chăn cũng không được!

Lâm Tướng Sơn cúi người ném chiếc chăn mỏng trở lại tủ, ôm lấy Diệp Khê nằm xuống giường, chỉ mấy động tác đã cởi s.ạch quần áo, đè lên người phu lang.

Trong chăn truyền đến tiếng rên khẽ và hơi thở gấp gáp của Diệp Khê.

“Anh cởi hết rồi ngủ, nếu nóng thì duỗi chân ra là được, mình đừng nghĩ đến chuyện đắp hai cái chăn.”

*

Trời còn chưa sáng, Diệp Khê đã dậy, ngồi bên giường ngáp mấy cái rồi bắt đầu chải tóc bằng lược gỗ.

Lâm Tướng Sơn mở mắt ngái ngủ thấy phu lang đã dậy, liền đưa tay vén lọn tóc đen thả bên eo, giọng khàn khàn nói: “Sao dậy sớm thế, gà còn chưa gáy mà.”

Diệp Khê nói: “Hôm nay hẹn với chị dâu đi trấn, sợ đi trễ làm lỡ việc.”

Lâm Tướng Sơn cũng dậy theo, không có Diệp Khê nằm bên cạnh thì hắn cũng không ngủ nổi nữa: “Nếu sợ muộn thì ngồi xe bò đi, đỡ phải đi bộ hơn một canh giờ.”

Diệp Khê cười: “Không phải chỉ mình em đâu mà chị dâu cũng tiếc tiền, chị ấy thương anh cả kiếm tiền không dễ, nên muốn giúp anh ấy tiết kiệm.”

Lâm Tướng Sơn: “Chị dâu tốt, anh cả đúng là có phúc.”

Mặt trăng trên trời còn chưa lặn, ẩn sau ngọn cây. Diệp Khê đi vào bếp nhóm lửa, hơi lạnh tích lại cả đêm trong nhà liền tan đi.

Lửa trong bếp nhảy múa phản chiếu lên bức tường, Diệp Khê che miệng ngáp một cái, khuấy nồi cháo hến trên bếp. Số hến hôm qua còn chưa ăn hết, cậu đã tách thịt ra, đem đi nấu cháo.

Lâm Tướng Sơn rửa mặt trong sân, xong xuôi lại đi xem chuồng gà và chuồng heo, trộn cám với cỏ cho gia cầm ăn, sau đó mới quét dọn sân.

Đợi Diệp Khê nướng bánh xong thì gọi hắn vào ăn.

Hai người ăn bánh hành chấm với cháo hến, còn có một đĩa dưa chuột muối.

“Bánh mang đi làm hôm nay em đã làm cho mình bốn cái, mình mang đi ăn với anh cả, chị dâu nói mới làm dưa muối, bảo anh cả mang theo ít, để hai người ăn chung với bánh.”

Lâm Tướng Sơn gật đầu, lại dặn: “Đi trấn với chị dâu phải cẩn thận, nếu về muộn thì đi xe về, trời tối đường khó đi, đừng để gặp phải thú rừng.”

Diệp Khê gật đầu: “Biết rồi.”

Ăn sáng xong, trời đã mờ mờ sáng. Diệp Khê cũng không chần chừ, tiễn Lâm Tướng Sơn ra cửa, rồi nhanh chóng dọn dẹp chén đũa, quét dọn xong bếp thì vào nhà, bỏ mấy chiếc khăn thêu của mình vào giỏ, đóng cửa nhà lại.

Con nai nhỏ vẫn còn ngủ ngon lành trong giỏ tre dưới mái hiên, sợ mình về muộn, Diệp Khê cắt cho nó một miếng bí đỏ, bỏ thêm ít hạt ngô vào chậu gỗ, rồi vội vàng khóa cổng rời đi.

Cậu xuống núi một mạch, còn chưa tới nhà họ Diệp đã thấy Lý Nhiên gọi: “Khê ca nhi, bên này này.”

Diệp Khê đi tới, mới thấy bên cạnh còn có Ly ca nhi, vì dậy sớm nên giờ cậu ta vẫn còn mắt nhắm mắt mở.

“Ly ca nhi đi cùng chúng ta, nói là lâu rồi chưa lên trấn.” Lý Nhiên nói.

Ly ca nhi bĩu môi: “Mẹ ta nghe ta bảo muốn lên trấn, nhất quyết bắt ta đem rổ rau cải non này đi bán, nói tiền bán được thì cho ta hết.”

Diệp Khê tất nhiên rất vui khi Ly ca nhi cùng đi: “Chúng ta mau đi thôi, tranh thủ lúc trời còn chưa sáng hẳn, đến trấn rau cải còn đọng sương sẽ dễ bán hơn.”

Trong làn sương sớm, ba người sánh vai nhau, cùng đi về hướng trấn trên.

Loading...