Tối qua vì ngủ muộn, ngày đầu tiên Diệp Khê về nhà chồng đã dậy trễ. Bao nhiêu năm nay cậu chưa từng nằm ườn trên giường như thế, vậy mà mới thành thân đã không dậy nổi, cả người đau nhức ê ẩm, đợi đến khi mặc xong y phục, bên ngoài trời đã sáng bừng, e là cũng gần đến trưa rồi.
Trong phòng và ngoài sân đều không thấy bóng dáng Lâm Tướng Sơn, chắc hẳn đã dậy từ lâu. Diệp Khê đẩy cửa bước ra, chỉ thấy ngoài sân đã chất mấy bó củi to tướng, phu quân của cậu chẻ củi cả nửa buổi sáng rồi mới chạy ra ngoài.
Diệp Khê thầm trách mình lười biếng, mới thành thân đã ngủ nướng, vội vàng bước nhanh vào bếp.
Trên bàn bếp đặt một chén cháo loãng cùng một đĩa dưa muối, là loại Diệp Khê mang đến trước kia. Tay nghề nấu nướng của Lâm Tướng Sơn vẫn luôn vụng về, nấu được chén cháo này cũng coi như không dễ. Diệp Khê liền ăn một chút, qua loa lót dạ.
Thành thân rồi thì việc trong nhà cũng phải bắt đầu thu xếp ổn thỏa, ngày tháng sau này phải sống cho yên ổn.
Nhân lúc hôm nay trời quang nắng đẹp, Diệp Khê liền chuyển hết mấy cái chum vại trong bếp ra sân, rồi lấy thau gỗ đem toàn bộ chén đũa trong tủ ra gom lại một chỗ.
Đốt một mớ tro, hòa với nước tạo thành nước kiềm, rồi khiêng ghế con ra sân, dùng quả bồ kết chà rửa từng món một. Lúc trước Lâm Tướng Sơn sống một mình chẳng mấy khi dọn dẹp bếp núc, chén đũa cũng chỉ lấy đại vài cái dùng, mấy món khác từ lâu đã phủ đầy bụi.
Diệp Khê cặm cụi rửa mất một lúc lâu mới sạch hết đám chum vại ấy, rồi đem ra phơi nắng. Đợi nước trên đồ đạc khô ráo là có thể mang vào dùng lại.
Mảnh đất trước nhà cũng phải khai hoang ra, trồng ít rau dưa. Một phần để nhà ăn, dư thì gom đem xuống trấn bán. Tuy mỗi lần chỉ được mười mấy hai chục văn, nhưng rau trong vườn cứ hết lứa này đến lứa khác, cách ba năm bữa lại có thể mang đi bán một chuyến. Tích góp dăm ba tháng, nửa năm, cũng có thể dành dụm được một hai lượng bạc đấy.
Trong đầu tính toán mấy kế sinh nhai, Diệp Khê lại quay vào nhà, lau dọn bếp núc thêm một lượt, sắp xếp lại bàn ghế, dán lại giấy cửa sổ, còn hất nước để quét sàn nhà bếp cho sạch sẽ.
Trước cổng sân có bụi trúc, cậu mang dao đi chặt mấy cành trúc về, dùng dây gai bó lại thành một bó, nối thêm một cái cán dài, thế là có ngay cây chổi quét trần vừa tiện vừa chắc.
Diệp Khê lấy một mảnh vải cũ buộc lên đầu để che bụi, rồi giơ cây chổi tự làm, cẩn thận quét sạch từng gian phòng và cả mái hiên. Mạng nhện cùng lớp bụi dày bám bao năm bị quét đi sạch sẽ, căn nhà lập tức sáng sủa và gọn gàng hẳn lên.
Dọn dẹp đến trưa, nghĩ bụng phu quân nhà mình cũng bận rộn cả buổi rồi, lát nữa quay về mà không có nổi bữa cơm nóng thì tội lắm.
Diệp Khê liền tranh thủ quét tước cho xong, chẳng kịp nghỉ hơi đã quay vào bếp nhóm lửa nấu cơm.
Trong lu gạo còn lại nửa túi, trên bếp treo một miếng gà muối, ngoài ra thì trống trơn chẳng còn gì, nhìn cảnh ấy khiến Diệp Khê có chút nghẹn lòng. Nhà bếp ở nhà cậu trước đây có bao giờ túng thiếu thế này đâu, không nói đến cảnh gà vịt cá thịt chất đống, thì ít ra gạo và bột cũng đầy ắp, giỏ có mấy quả trứng, góc tường còn để bí đỏ, trên bếp lúc nào cũng treo sẵn miếng thịt muối, nào giống cái cảnh bây giờ.
Diệp Khê nghĩ tới nghĩ lui, đành gom mấy thứ sẵn có làm một bữa cơm đạm bạc. Cậu vo hai nắm gạo cho vào nồi đất nấu cơm, còn miếng gà muối không rõ làm từ khi nào, cũng phải gỡ xuống rửa kỹ bằng nước lạnh, đem luộc sơ một lượt rồi thay nước ngâm thêm chốc lát, thay nước đôi ba lần, vị mặn mới dịu bớt.
Đúng là người này cái gì cũng thích cho nhiều muối, mặn muốn chết người, trách sao hay phải lên trấn mua muối suốt.
Gà hầm đến khi mềm rục, Diệp Khê dùng tay xé nhỏ thành từng sợi. May mà trong nhà vẫn còn ít ớt khô, tuy đã bị ẩm mềm không còn giòn nữa, cậu ném chúng vào lò bếp hong cho khô rồi giã vụn, trộn cùng nước tương và tỏi băm, muối thì khỏi phải cho thêm, thế là xong một đĩa gà trộn ớt cay tê đầu lưỡi.
Thấy người còn chưa về, Diệp Khê lại xách cuốc ra bãi đất trống trước sân đào một rổ rau sam mang về. Nhà chưa kịp trồng rau thì đành dựa vào đám rau dại mà ăn qua bữa.
Rau sam ở quê nhà nào cũng thích ăn, ngoài đồng hay ven bờ ruộng đâu đâu cũng mọc, hái về có thể xào hoặc trộn gỏi đều ngon. Đến cuối thu sang đông, người ta còn tranh thủ đào cả gùi đem về phơi khô, để dành làm rau ăn mùa lạnh.
Diệp Khê nhặt sạch, chần sơ qua nước sôi, rồi bắc chảo lên bếp, cho tỏi lát và ớt khô vào phi thơm, sau đó đổ nguyên một rổ rau sam vào. Loại rau này đúng mùa còn non, chỉ cần đảo qua vài lượt, rắc thêm chút muối là bắc xuống được rồi.
Lúc này, Lâm Tướng Sơn cũng vừa về. Hắn dậy sớm bổ củi rồi ra ruộng làm, giờ trong nhà đã có hai người, không còn phải ăn uống qua loa một mình nữa, thế nên hắn làm việc cũng càng thêm chăm chỉ, mong sớm ngày vun vén cho cuộc sống tốt lên.
Vừa bước vào sân, hắn đã ngửi thấy mùi cơm canh thơm phức, trên mái bếp còn bốc lên làn khói mỏng lượn lờ. Giữa sân phơi đầy hũ lọ, đến cả bụi cũ dưới mái hiên cũng được quét sạch bóng. Cái sân nhỏ này rõ ràng chẳng khác gì ngày trước, mà lại như thể đều đã đổi thay.
Hắn đứng ngẩn ở cổng sân, lòng ngổn ngang khó tả, vành mắt bất giác ươn ướt.
Nghe thấy tiếng động ngoài sân, Diệp Khê từ bếp đi ra, lau sạch nước trên tay vào chiếc tạp dề vải thô bên hông, thấy Lâm Tướng Sơn đứng ngây người ở cổng thì gọi với: “Cơm vừa chín tới, mình cũng về đúng lúc, còn đứng ngẩn ở đấy làm gì, mau vào ăn cơm đi.”
Nhìn gương mặt dịu dàng hiền hòa ấy, Lâm Tướng Sơn mới sực tỉnh, khẽ ừ một tiếng rồi đem cất cuốc vào phòng chứa củi.
Trong bếp vẫn còn thoang thoảng mùi dầu khói, trên bàn bày sẵn một đĩa gà xé trộn cay và một đĩa rau xào xanh mướt. Lâm Tướng Sơn ra mái hiên, dùng nước trong thau gỗ rửa sạch đôi tay thô ráp.
Vừa bước vào nhà liền khen: “Thơm quá à!”
Diệp Khê mở nắp nồi đất ra, hương thơm của cơm nóng lập tức lan tỏa khắp nơi. Cậu múc hai chén cơm trắng dẻo óng ánh, phần còn lại đổ vào rổ tre dàn ra cho nguội. Dưới đáy nồi là lớp cơm cháy vàng ruộm, Diệp Khê vừa cạo vừa cười nói: “Nhà chẳng còn gì cả, em chỉ đành lấy tạm mấy thứ còn lại để nấu, thế này không ổn, phải đi mua thêm ít đồ về mới được.”
Cạo xong lớp cơm cháy, cậu rắc một lớp muối mỏng lên trên, rồi bẻ thành mấy miếng nhỏ, xếp vào đĩa.
Lâm Tướng Sơn đón lấy đĩa, đáp: “Mai anh dẫn mình lên trấn đi chợ, xem có gì cần mua thì cứ mua.”
Dứt lời, hắn cầm một miếng cơm cháy cho vào miệng, giòn rụm thơm phức, càng nhai càng dậy mùi gạo ngon. Nghĩ lại mấy lần mình nấu cơm, cháy dính đầy đáy nồi, phần lớn đều tiếc mà phải đổ đi, không khỏi cảm thán Diệp Khê nấu ăn thật khéo léo.
Diệp Khê thấy hắn nhai cơm cháy giòn tan, lại múc một chén nước cơm sánh đục đưa sang: “Ăn khô khan thế, uống miếng nước cơm cho dễ tiêu.”
Ở vùng này có lệ ăn gì thì uống nước nấy, bụng dạ mới dễ chịu.
Lâm Tướng Sơn nhai hết miếng cơm cháy, rồi uống liền nửa chén nước cơm, bụng đói cồn cào cũng dịu lại, trong người thoải mái hẳn.
Diệp Khê đưa cho hắn đôi đũa, hai người ngồi vào bàn chuẩn bị ăn.
Lâm Tướng Sơn gắp một đũa thịt gà xé bỏ vào chén Diệp Khê: “Đêm qua ngủ muộn, giờ eo với chân mình còn đau không?”
Diệp Khê nghe vậy vành tai lập tức đỏ bừng, lườm khẽ: “Biết còn hỏi.”
Lâm Tướng Sơn bật cười: “Nhà có gì cần làm cứ bảo anh làm cho, mình nghỉ ngơi cho khoẻ.”
Diệp Khê lắc đầu: “Việc quét dọn em làm gần hết rồi, chỉ còn chăn đệm chưa phơi, hôm nay nắng đẹp, mang ra hong cho thơm là vừa. Chỉ là trong sân không có sào tre để phơi đồ thôi.
Lâm Tướng Sơn và lấy một miếng cơm to, ăn đến ngon lành: “Lát nữa ăn xong anh đi chặt mấy cây trúc về làm giá phơi quần áo.”
Diệp Khê ừ một tiếng, rồi hỏi: “Sáng nay mình ra đồng à?”
Lâm Tướng Sơn nuốt hết cơm mới gật đầu: “Hai mẫu ruộng nhà mình đã cày xong rồi, đất cũng bón phân xong, giờ có thể gieo giống được rồi. Mình nghĩ nên trồng gì đây?”
Diệp Khê nghĩ ngợi một lát, nhà hiện chẳng còn hạt lúa nào, mà nay cũng vào thu rồi, vài tháng nữa là sang đông. Bây giờ gieo giống, cũng là vụ cuối của năm, e rằng phải tính chuyện tích trữ lương thực cho mùa đông.
“Trồng lúa mì vụ đông đi, đến khi gặt đem xay thành bột cũng đủ ăn nửa năm. Nếu thèm ăn gạo thì lúc đó mình đi mua về.”
Lâm Tướng Sơn tất nhiên đồng ý, gật đầu nói: “Được, mai ta đi mua giống lúa mì về.”
Hai người ngồi ăn cơm, Lâm Tướng Sơn đã bới cơm đến lần thứ ba, mà Diệp Khê mới ăn được có nửa chén. Nhìn phu quân nhà mình ăn uống nhiệt tình thế, Diệp Khê bất giác cong mắt cười hỏi: “Cơm em nấu có ngon không?”
Lâm Tướng Sơn đáp: “Ngon hơn cả cơm mẹ anh nấu. Ăn cơm mình nấu rồi, chắc đời này chẳng bỏ được nữa, chỉ muốn cùng mình một ngày ba bữa không thiếu bữa nào.”
Diệp Khê nghe vậy vui vẻ, liền nói tiếp kế hoạch của mình: “Nhà mình phải có một cái vườn để trồng ít rau dưa. Em thấy mảnh đất bên trái sân khá bằng phẳng, nếu dọn dẹp lại cũng được khoảng một mẫu đất, đủ để trồng rồi.”
Lâm Tướng Sơn dĩ nhiên cái gì cũng nghe theo, chỉ gật đầu, đợi khi nào làm thì ra sức giúp.
“Trong nhà mà không nuôi gia cầm thì không ổn, một là chẳng có chút thịt mặn nào ăn, hai cũng là một khoản thu nhập. Nuôi tốt rồi mang ra trấn bán, cũng bằng thu nhập nửa năm ngoài ruộng rồi.”
Lâm Tướng Sơn đáp: “Nuôi ít ít thì tốt, chứ nuôi nhiều sợ mình cực nhọc, tiền trong nhà anh sẽ tự lo kiếm, mình đừng vất vả quá.”
Phu quân chu đáo thế, trong lòng Diệp Khê càng thêm ấm áp, cười nói: “Chỉ nuôi hai con heo với mười mấy con gà con vịt thôi. Một con để mùa đông mổ ăn, một con đem bán lấy tiền sắm sửa Tết. Nhà mình chưa có chuồng heo chuồng gà, nên phải xây thêm.”
Lâm Tướng Sơn ăn xong chén cơm cuối, uống cạn nốt nửa chén nước cơm: “Được, mình bảo gì, anh làm nấy.”
Ăn cơm xong, Lâm Tướng Sơn ra bụi trúc trước nhà chặt mấy cây trúc về, dùng dao rựa gọt sạch nhánh con.
Diệp Khê ngồi trên chiếc ghế thấp trong sân, yên lặng nhìn hắn làm việc.
Lâm Tướng Sơn làm rất nhanh, chẳng bao lâu đã dựng xong một cái giàn phơi. Ngoảnh lại thấy phu lang nhà mình đang cười dịu dàng nhìn mình, mái tóc dài đen nhánh bị gió nhẹ thổi tung, khoảnh khắc yên tĩnh đẹp đẽ vô cùng.
Căn nhà từng trống trải giờ phút này bỗng trở nên ấm áp, Lâm Tướng Sơn bất giác ngây ngốc cười.
Diệp Khê chống cằm cười mắng: “Đồ ngốc.”
Trên cái cổ trắng mịn kia vẫn còn vài dấu đỏ mờ ám, thấp thoáng bóng dáng đêm qua dây dưa triền miên.
Lâm Tướng Sơn nhìn mà cổ họng khô khốc, trong lòng nhộn nhạo. Hắn ném dao rựa sang một bên, phủi tay, đi đến trước mặt Diệp Khê, cúi người nhấc bổng cậu vác lên vai.
Diệp Khê bị dọa kêu khẽ một tiếng, mặt đỏ bừng, vừa giận vừa thẹn đấm lên vai hắn: “Làm gì thế! Mau thả em xuống.”
Lâm Tướng Sơn khiêng người bước nhanh vào trong nhà, một chân đá văng cửa phòng ra:
“Ăn no rồi, mệt quá, mình vào nghỉ trưa với anh một lát.”
Còn lâu ta mới tin anh!
Hết chương 26.