Một Ngày Ba Bữa - Phần Nam

Chương 39



Ly ca nhi xách cá về thôn, vừa đi qua đầu thôn đã có mấy người nhìn thấy hai con cá trong tay cậu, ai cũng liếc qua vì cá tươi roi rói, lớp vảy bụng ánh vàng, chắc chắn là cá đồng mùa thu.

Chưa đi được mấy bước đã có người tò mò hỏi: “Ly ca nhi, cá này tươi quá, béo ú có cả mỡ cá rồi, ngươi mua ở đâu đó? Trong thôn có ai thả lưới gom cá à?”

Trong thôn đúng là có người nuôi cá, nhưng nhìn thế nào thì cá đó cũng không ngon bằng hai con Ly ca nhi đang xách, hơn nữa cũng đâu nghe nói hôm nay trong thôn có người gom cá bán đâu.

Nếu có ai mở ao bắt cá, chắc chắn sẽ báo trước cho mấy thôn xung quanh để người ta còn sang mua về ăn.

Ly ca nhi nắm lấy sợi cỏ buộc miệng cá, cười lớn rồi nói: “Là nhà Khê ca nhi giăng lưới bắt được ở ven sông đó, ta tình cờ đi ngang qua, thấy cá béo nên mua hai con về.”

“Ồ, bắt từ sông à? Nhà họ Diệp mà cũng có tay nghề này sao?” Từ khi vào thu, cá bắt đầu lặn xuống bùn, thời điểm này cá béo thật nhưng cũng là lúc khó bắt nhất.

Ly ca nhi gật đầu: “Phu quân của Khê ca nhi biết chút tay nghề đánh cá, chắc hôm nay gặp may, quăng một lưới xuống là kéo lên được đầy cá. Lúc ta mua là mới vừa kéo lưới lên đó, bây giờ người nhà họ Diệp vẫn còn ở đó.”

Nghe tới đây, mấy người phụ nữ và ca nhi cũng vây lại hỏi: “Nhà họ Diệp có bán không? Còn cá nữa không? Ta cũng muốn mua vài con về nấu ăn, cá này đem kho ăn là ngon lắm.”

Ly ca nhi đáp: “Người trong thôn đông như vậy, nếu ai cũng muốn mua thì e là không đủ đâu. Nói là nhiều nhưng cũng chỉ độ hai ba chục con thôi. Nếu mọi người muốn mua thì mau về lấy chậu đi, may ra còn kịp. Giá cũng rẻ lắm, chỉ năm văn một cân, chẳng phải rẻ hơn mua ở trấn sao?”

Vừa nghe nói chỉ có năm văn một cân, mấy thím và ca nhi có mặt đều không ngồi yên được nữa. Bình thường muốn ăn cá cũng phải đợi đến lúc có người mở ao, hoặc phải lên trấn mua, mà giá ở đó cũng phải sáu bảy văn một cân. Hôm nay lại là cá đồng béo tốt tươi xanh mà chỉ có năm văn, tất nhiên không thể bỏ qua cơ hội này được. Mấy người chẳng buồn nói thêm gì với Ly ca nhi nữa, lập tức tản ra hết.

Mọi người đều vội vã về nhà lấy chậu lấy rổ, sợ đến muộn sẽ không mua được cá đồng mùa thu!

Phía bên Diệp Khê, cậu để riêng mấy con cá, vừa suy tính vừa nói: “Đem mấy con này về nhà muối, đến mùa đông xào với rau diếp xoăn cho đỡ thèm. Mẹ ơi, mẹ cũng lấy vài con đi, chứ đến mùa đông mặt sông đóng băng cứng lại, muốn ăn cá cũng chẳng có đâu.”

Lưu Tú Phượng xua tay từ chối: “Con với con rể muối nhiều một chút là được rồi, nhà mẹ còn có thịt muối nữa, đâu cần lấy thêm mấy con cá này.” Bà không nỡ lấy, muốn để lại cho Diệp Khê nhiều hơn.

Diệp Khê bật cười: “Cha với anh đều thích ăn cá, mẹ không muối nhiều chút, mùa đông họ lại thèm mất. Đến khi tiểu hàn rồi mới đi mua cá, thì lúc ấy giá cũng phải mười văn một cân rồi đó. Từ khi nào mà mẹ có nhiều bạc để tiêu hoang thế?”

Lâm Tướng Sơn cũng đi tới, từ trong chậu gỗ chọn ra mấy con to nhất, nói: “Mẹ, người cứ nhận đi, con biết đánh cá, sau này thả lưới thêm là có, nói chung là chẳng để tụi con đói được đâu.”

Lưu Tú Phượng nghe con rể nói vậy thì vui vẻ nhận lấy. Bà tự nhủ mình thật có phúc, gặp được một chàng rể vừa hiếu thuận vừa giỏi giang.

Diệp Khê lại chọn riêng hai con: “Trưa nay về làm cá ăn, năm nay coi như được ăn một bữa cá đồng rồi, đem kho với ớt bằm, thịt cá mềm thơm, nước cá kho rưới lên cơm gạo mới, đảm bảo ngon hết sảy.”

Diệp Sơn nuốt nước miếng: “Mới nghe thôi mà ta đã thèm nhỏ dãi rồi. Khê ca nhi làm cá đỉnh lắm đấy, từ sau khi em gả đi, anh thèm món đó suốt, tối nay anh sẽ lo rượu!”

Cha Diệp vỗ vào sau đầu anh một cái, trách yêu: “Cái vò rượu dưới gầm giường của ta, chắc là bị ngươi lén uống hết rồi. Ta còn nói sao càng ngày càng ít, cuối cùng ngay cả đáy cũng không còn.”

Diệp Khê và Lâm Tướng Sơn nghe vậy không nhịn được cười. Diệp Sơn tính tình tốt, mỗi ngày thích nhâm nhi vài ly, nhưng chưa bao giờ say xỉn bê tha.

Diệp Sơn cũng không giấu, gãi đầu cười: “Đó là vò rượu mà em rể mang đến khi cầu hôn Khê ca nhi, là loại ngon bán trên trấn, không giống với rượu nấu ở thôn ta đâu, rượu này uống vào êm dịu mà thấm lâu, cực kỳ ngon.”

Lưu Tú Phượng liếc mắt trách: “Rượu mà con rể đem tới đương nhiên không thể tầm thường được, ngươi cũng biết thưởng rượu đấy!”

Lâm Tướng Sơn cười nói: “Nếu anh cả thích, lần tới ta mang củi xuống trấn bán sẽ mua thêm một vò về cho.”

Diệp Sơn chẳng khách sáo, hào sảng đáp: “Vậy thì ta phải cảm ơn em rể rồi! Từ nhỏ ta đã thương Khê ca nhi nhất, giờ còn được uống rượu của phu quân em ấy nữa!”

Diệp Khê trêu: “Anh sắp thành thân rồi, coi như đây là lễ mừng cưới của em và phu quân tặng anh đó. Em còn đang mong chị dâu sớm ngày gả đến đây, để có người chơi cùng.”

Diệp Sơn nghe vậy đỏ mặt, hiếm hoi lộ vẻ ngại ngùng: “Ừ… Nàng ấy là người tốt.”

Cả nhà đứng bên bờ sông trò chuyện vui vẻ, không bao lâu liền thấy Triệu thị ôm chậu gỗ hớt hải chạy tới. Thân hình bà tròn trịa, hơi phát tướng ở tuổi trung niên, chạy nhanh thì người cứ đong đưa qua lại như một pho tượng đất biết đi, trông có phần ngồ ngộ.

Triệu thị sợ đến muộn hết cá, vừa cách cả chục mét đã lớn tiếng gọi: “Mẹ thằng Sơn ơi, còn cá không đó?!”

Lưu Tú Phượng bật cười, vẫy tay đáp: “Còn chứ, thím Triệu đi chậm thôi, đừng gấp!”

Lúc này bà ta mới yên tâm, dùng tay áo lau mồ hôi trên trán, thở hổn hển đi tới: “Tôi nghe Lý ca nhi bảo là con rể nhà bà thả lưới ở bờ sông bắt được cả mẻ cá thu, có dư nên muốn bán, thế là tôi vội vã chạy qua mua hai con về ăn.”

Lưu Tú Phượng cười bảo bà chọn lấy hai con: “Vừa mới vớt lên đấy, tươi lắm, tôi không lấy đắt, chỉ năm văn một cân thôi. Dù sao nhà tôi mấy miệng ăn cũng chẳng ăn hết.”

Triệu thị cười tít cả mắt, vội ngồi xổm xuống chọn cá, vừa chọn vừa nói: “Nói thật chứ, ông nhà tôi mê cá này lắm, cứ dặn tôi khi nào đi chợ thì mua hai con. Mà dạo này bận gặt lúa, cả chục ngày nửa tháng rồi chưa xuống trấn. Tôi còn định bụng là đợi mấy gánh hàng rong đi qua hay nhà nào trong vùng mở ao thì đến mua, ai dè đợi cả tháng trời chẳng thấy ai bán, may mà hôm nay nhà bà bắt cá, tôi mới được hưởng tí lộc này đây.”

Diệp Sơn cười tiếp lời: “Em rể nhà con có tay nghề mà, mẻ này là cá thu đồng đó, thím nhìn cái bụng cá xem, béo chắc lắm, đảm bảo mổ ra còn có trứng, ăn vào đảm bảo béo ngậy hết ý.”

Triệu thị chọn hai con to nhất, còn lật thử cái bụng cá lên xem, thấy nó phình ra trông rất ngon mắt, rồi mới đưa qua cho cha Diệp cân.

“Phải rồi, vẫn là con rể nhà bà có bản lĩnh. Bao lâu rồi dân làng mình không bắt được cá này nữa? Mấy ông chuyên đánh cá trong thôn dạo này cũng phải đi chỗ sông khác quăng lưới, nhưng cá bên đó làm sao ngon bằng cá đồng ăn toàn lươn, ốc và hạt thóc của thôn mình chứ.”

Cha Diệp cân xong, bảo: “Chín cân ba lạng.”

Diệp Khê đứng bên nói: “Láng giềng thân quen, con bớt phần lẻ cho thím nhé, tính chín cân thôi.”

Diệp Khê xử sự khéo léo, làm Triệu thị cười không khép miệng, vội lấy túi tiền ra, đếm mấy chục văn, vui vẻ nói: “Tôi nói rồi mà, nhà bà làm việc có tình có lý, Khê ca nhi tinh tế thế này, chẳng trách làng trên xóm dưới ai cũng khen nó. Hôm nay còn có được một chàng rể giỏi giang, sau này nhất định sống sung túc!”

Lưu Tú Phượng nghe mà trong lòng phơi phới, vừa cất tiền vừa trò chuyện thêm với Triệu thị mấy câu.

Thấy lại có người tới mua cá, Triệu thị liền bưng chậu của mình đi về, tránh để lỡ việc người khác.

Triệu thị đi được mấy bước, có vài người trong thôn bắt gặp bà, tò mò thò đầu nhìn vào chậu: “Ơ kìa, mua ở nhà Diệp đó hả?”

“Phải rồi, cá tươi lắm nha, nhìn cái bụng cá này, béo nứt cả ra!” Triệu thị mua được cá rồi, trong lòng yên tâm, bước đi thong thả, còn khoe với mọi người.

Mấy người kia thấy vậy càng sốt ruột: “Cá ngon đấy, vảy cá ánh vàng thế kia là nhờ ăn thóc đấy, không ăn thóc không ra màu này đâu. Chúng ta cũng phải nhanh chân đi mua vài con thôi, trước khi sông đóng băng chắc đây là bữa cá cuối cùng rồi, nhà tôi thèm lâu lắm rồi, bao lâu chưa được ăn món mặn.”

“Đúng thế, thịt heo từ mười hai văn tăng lên mười bốn văn rồi, tôi còn chưa dám mua, hai đứa nhỏ nhà tôi suốt ngày kêu không có tí dầu mỡ nào, hôm nay cá rẻ thế này, phải mua vài con về cho đám nhỏ đỡ thèm!”

Triệu thị đắc ý nói: “Năm văn một cân, có gì mà không ăn nổi, nhà nghèo đến mấy cũng mua được hai cân đem về. Nhà Diệp còn bớt cho tôi ba lạng tiền cá nữa chứ, chẳng phải nhặt được món hời rồi còn gì.”

Nghe bà nói thế, đám người kia không đứng yên được nữa, chẳng buồn tán gẫu thêm, vội vã kéo nhau đi mua cá.

Người đến càng lúc càng đông, vây kín cả một khoảng ven sông. Diệp Sơn và Lâm Tướng Sơn phụ giúp chọn cá, bắt cá cho người mua, cha Diệp thì đứng bên cân cá, còn Lưu Tú Phượng đón khách thu tiền, cả nhà phối hợp nhịp nhàng không chút rối loạn.

Tiền đồng lách cách rơi vào túi, phần lẻ cũng bớt cho bà con, khiến ai nấy đều vui vẻ hẳn ra, khen nhà họ Diệp làm người tử tế, sống có tình có nghĩa.

Dân quê làm lụng vất vả, tiêu từng đồng từng hào đều phải tính toán kỹ lưỡng, tiền tích cóp trong nhà cũng là nhặt nhạnh từng chút mà nên, tiết kiệm được một đồng là có thể để dành mua thịt cho bữa sau.

Chẳng mấy chốc, cả mẻ cá đã bán sạch mà vẫn còn không ít người vội vã chạy đến sau.

Diệp Khê bước lên nói với mọi người: “Mọi người ơi, hôm nay hết cá mất rồi, mọi người về đi ạ, lần sau nếu có dư nữa con sẽ để phần lại cho mọi người nha.”

Những người nghe thấy thế thì đều tiếc rẻ, nhưng chỉ có thể xách giỏ quay về. Còn những người mua được vui mừng hớn hở, nhanh chân về nhà nấu cơm, nghĩ đến hôm nay có thể cho đám nhỏ ở nhà ăn mặn mà trong lòng phấn khởi. Người miền núi chỉ mong được một bữa ăn no đủ, ăn ngon thì cuộc sống mới có ý nghĩa.

Thấy trời cũng không còn sớm, cha Diệp và Diệp Sơn liền giúp Lâm Tướng Sơn thu dọn lưới cá, Diệp Khê xách mấy con cá đã để riêng ở trong bụi cỏ từ trước, nói: “Con về nhà nấu cơm trước đây, lát nữa mọi người về tới là có cơm ăn luôn.”

Lưu Tú Phượng ôm lấy túi tiền, vui vẻ nói: “Mẹ đi với con, về nhà đếm xem trong này có bao nhiêu tiền, mẹ cầm thấy cũng nặng tay đấy.”

Diệp Khê đáp một tiếng, hai mẹ con liền cùng nhau về nhà.

Hết chương 39.

Loading...