Một Ngày Ba Bữa - Phần Nam

Chương 23



Ly ca nhi vào bếp gọi mấy thím phụ bếp nấu một chén trứng gà luộc đường đỏ rồi bưng về phòng cho Diệp Khê ăn.

Diệp Khê ăn hai quả, thấy Ly ca nhi cứ ngồi đó nhìn mình chằm chằm, múc thêm hai quả nữa cho cậu ta, hai người cầm thìa, cậu một thìa tôi một thìa mà ăn.

Bên ngoài, tiệc cưới đang vào lúc náo nhiệt nhất, tiếng người uống rượu, tám chuyện rộn ràng hoà lẫn vào nhau.

Ly ca nhi hớp một ngụm nước đường ngọt lịm, ghé lại nói nhỏ: “Vừa nãy ta ra bếp lấy trứng gà, đoán xem ta gặp ai?”

Diệp Khê lắc đầu: “Ai thế?”

Ly ca nhi hừ nhẹ một tiếng: “Còn ai vào đây, Yêu ca nhi đấy, cái thằng đối đầu với ngươi ấy.”

Diệp Khê nhướn mày: “Hắn tới làm gì? Bình thường ghét ta như thế, lẽ nào còn mặt mũi đến ăn cưới?”

Ly ca nhi đáp: “Chắc bị mẹ hắn lôi đến đấy. Bà ấy tính toán lắm, đã bỏ tiền mừng rồi thì kiểu gì cũng phải mò tới ăn cho bõ nên kéo thằng con theo.”

Diệp Khê ừ một tiếng, cũng chẳng để trong lòng, chỉ lo lắng cho Lâm Tướng Sơn đang ở ngoài kia. Hôm nay kiểu gì cũng bị mấy ông trong thôn chuốc cho no rượu, không biết lát nữa có say mèm ra không.

Ngoài sân, Yêu ca nhi ngồi cạnh mẹ mình, mặt mày cau có. Bên tai toàn là tiếng các bà, các thím trong thôn tán thưởng bữa tiệc.

“Nhà họ Diệp đúng là rộng rãi thật đấy, bốn món mặn, bốn món nguội, thêm cả canh nóng nữa. Cái bàn tiệc này đúng là sang trọng.” Bà Vương vừa cười vừa nói, khóe miệng còn dính vết dầu.

Bà Triệu đang bón thịt cho con cũng tiếp lời:
“Thật ha, ta cứ nghĩ cho mười văn tiền mừng, dắt theo con đến ăn miếng cho biết mùi, ai ngờ bàn tiệc làm hoành tráng thế này.”

Tiệc hôm nay là do Diệp Khê và Lưu Tú Phượng chuẩn bị. Dùng nửa con heo mà Lâm Tướng Sơn đem tới, lại thêm mấy con gà vịt nhà tự nuôi.

Bốn món mặn là thịt kho tàu, sườn hầm khoai, chân giò kho và viên thịt tứ hỷ. Món nguội thì có dưa leo trộn dầu vừng, dưa cải muối trộn mề gà, rau mùi trộn tai heo thái lát và đậu tằm trộn dạ dày. Cuối cùng canh nóng là vịt già hầm củ cải chua.

Cái bàn tiệc thế này, ai ăn cũng phải công nhận là ngon no nê luôn.

Mâm trên bàn giờ chỉ còn lại mấy chén đĩa đầy nước mỡ và tàn tích của bữa ăn, nhưng đám người vẫn vung đũa mà gắp lia lịa, sợ mình ăn chậm lại bị người khác giành mất phần ngon.

Lần này còn mời đầu bếp chuyên nấu cỗ cưới là lão Tôn Béo nổi tiếng khắp vùng đến. Đối với dân quê, muốn ăn được bữa tiệc thịnh soạn như vậy đâu phải lúc nào cũng có dịp.

Bà Triệu bẻ hai cái bánh bao, quẹt hết nước sốt còn lại trong đĩa, kẹp nhân vào trong rồi nhét thẳng vào túi áo con, dặn dò: “Mang về mà ăn, tối mà đói thì có cái bỏ miệng.”

Lâm Dao ngồi bên cạnh cực kỳ khinh thường cảnh tượng ấy, nhìn đám người này vừa ăn vừa vét, chẳng có tí phong thái nào, y liền dịch ghế tránh đi chỗ khác, chẳng muốn ngồi gần bọn họ thêm chút nào nữa.

Lâm thị dùng khuỷu tay thúc vào cánh tay y, thấp giọng mắng: “Ngốc rồi à, còn không mau ăn đi, ta bỏ lễ rồi đấy.”

Yêu ca nhi căn bản chẳng muốn đến dự tiệc cưới của Diệp Khê, ai mà thèm chứ, nhưng y không cãi lại được Lâm thị.

Đến nơi, vừa nhìn thấy cảnh thành thân náo nhiệt, mắt y liền đỏ lên, trong lòng vừa hâm mộ vừa ghen tỵ. Dựa vào cái gì mà Diệp Khê với cái mặt xấu xí kia còn có người chịu cưới, mà hôn sự này lại chẳng tệ chút nào.

Nhìn một vòng bàn tiệc, y càng thêm bực dọc, tai chỉ toàn nghe người ta khen nhà họ Diệp rộng rãi, tiệc tùng tốt thế nào, khen Diệp Khê có phúc khí thế nào.

Thế còn Yêu ca nhi y thì tính là gì? Từ sau khi Diệp Khê bị bỏng, người đến cầu thân với nhà họ Lâm tăng vọt, ai cũng bảo y là ca nhi đẹp nhất làng trên xóm dưới, dạo này vẻ vang không ít, thế mà giờ lại đến lượt Diệp Khê giành hết sự nổi bật.

Nghĩ đến đây y càng giận, “cạch” một tiếng ném đôi đũa xuống bàn: “Không ăn nữa, con nuốt không trôi.”

Lâm thị trừng mắt quát nhỏ: “Phát điên gì thế hả?! Đang yên đang lành lại nổi điên, người xung quanh nhìn kìa, đừng để người ta chê cười.”

Lâm Dao oán trách: “Con đã bảo đừng đi rồi, mẹ cứ nhất định kéo con đến. Đến đây làm gì, để nhìn Diệp Khê lên mặt à! Nhìn thôi cũng thấy nghẹn trong lòng.”

Lâm thị lườm y: “Kêu con đến ăn cho đã một bữa nhà họ Diệp, ai dè con thế này, đồ ăn cũng chẳng thèm gắp, mười văn tiền của ta coi như đổ sông đổ biển rồi!”

Lâm Dao tức tối nói: “Cơm nhà hắn có gì mà ăn, sau này yến tiệc của con nhất định phải làm lớn hơn thế này mấy trăm lần, để cho đám người không có mắt trong thôn biết thế nào mới là yến tiệc tử tế!”

Nói đến đây, Lâm thị cũng giận không chịu được, chất vấn: “Ngươi với thằng Bân nhà họ Tào cũng quen nhau ngần ấy thời gian rồi, thế mà đến giờ chưa thấy động tĩnh gì, cũng chẳng nghe bọn họ nhắc tới chuyện cưới xin. Trước đây bọn họ tới cầu thân với Diệp Khê thì nhanh như chớp, chưa đầy một tháng đã xong từ xem mặt đến thành thân. Đến lượt nhà ta thì lại ra cái vẻ cao cao tại thượng.”

Lâm Dao mím môi không nói, trong bụng cũng thấy uất nghẹn. Tào Bân mỗi lần đều hứa hẹn sẽ về bàn với cha mẹ, bảo sớm đến nhà y đặt sính lễ, thế mà lần nào cũng bặt vô âm tín. Giờ đến cả Diệp Khê cũng đã thành thân trước y, mấy câu cười nhạo người ta ngày xưa giờ chẳng phải đang vả thẳng vào mặt y hay sao.

“Con sẽ giục hắn thêm.”

Lâm thị tức đến nỗi nghiến răng: “Cha ngươi cái miệng không giữ được bí mật, suốt ngày rêu rao khắp nơi là nhà ta với nhà họ Tào sắp định thân rồi, cả thôn Sơn Tú này ai cũng biết. Vậy mà đến giờ vẫn chẳng thấy gì, chỉ sợ có kẻ đang chờ xem trò cười nhà ta. Năm sau là kỳ thi hương rồi, nếu thằng Tào kia lại đỗ tú tài, có thân phận rồi, ngươi cứ chờ mà xem, coi nó còn thèm để ý đến ngươi không.”

Trong lòng Lâm Dao cũng gấp lắm. Ai mà chẳng nói, nam nhân có tiền đồ rồi thì ánh mắt sẽ cao hơn. Nếu Tào Bân thật sự thi đỗ tú tài, nhà hắn thể nào cũng cưới một tiểu thư nhà giàu cho mà xem, còn ai thèm ngó đến một ca nhi như y. Không được, phải sớm tính toán mới được.

“Còn nữa, tối hôm trước ngươi nửa đêm lén lút ra ngoài, đừng tưởng ta không biết. Ta chỉ coi như không thấy thôi, giờ tâm tính ngươi buông thả rồi, ta cũng quản không nổi. Nhưng nếu để người ngoài trông thấy, danh tiếng của ngươi xem như xong đấy. Mấy ngày tới đừng có lén đi đâu, ngoan ngoãn ở nhà, để mặc cái thằng họ Tào đó đi.”

Lâm Dao gật đầu, nói nhỏ: “Con biết rồi mẹ.”

Đãi tiệc xong, Lâm Tướng Sơn chuẩn bị cõng Diệp Khê về nhà mới trên sườn núi.

Bị đám đàn ông trong thôn ép uống từng vòng rượu một, vậy mà lúc vào phòng bước chân Lâm Tướng Sơn vẫn vững như thường, chỉ là người toàn mùi rượu nồng nặc, còn ngoài sân thì đã có không ít người say ngất.

Lúc đầu Diệp Sơn còn hùng hồn đòi thay em rể chặn rượu, kết quả uống mới mấy chén đã đầu váng mắt hoa, đi cũng không vững, Lâm Tướng Sơn một mình lĩnh hết số rượu mời, mặt không đổi sắc uống liền mấy vò lớn.

Mà rượu hôm nay lại là loại đao tử cay nồng nổi tiếng của lò rượu đầu thôn, men mạnh hương nồng, ai tửu lượng kém uống chừng một hai chén là ngủ mê mấy chục canh giờ, dân quê hay chọn loại này để tiết kiệm tiền rượu khi mở tiệc.

Diệp Khê ngồi trên giường, Ly ca nhi đã lăn ra ngủ mất. Đến khi Lâm Tướng Sơn đẩy cửa vào, một làn rượu nồng xộc thẳng vào mặt, Diệp Khê cách cả khăn voan cũng ngửi được.

“Anh uống bao nhiêu thế?” Diệp Khê cách khăn hỏi.

Lâm Tướng Sơn trầm giọng đáp: “Chắc cũng phải một hai vò.”

Diệp Khê bật ra một câu: “Vậy còn đi vững được không đấy?”

Lâm Tướng Sơn bật cười khàn khàn: “Yên tâm, cõng em về nhà vẫn còn thừa sức.”

Diệp Khê đỏ mặt, khẽ nói: “Nếu anh say thì em tự đi cũng được mà.”

Vừa dứt lời, Lâm Tướng Sơn đã cúi xuống, luồn tay qua đầu gối và vòng eo mảnh của cậu, dễ dàng bế bổng lên. Còn cố tình nhấc thử một cái, cười bảo: “Nhẹ quá, sau này phải ăn nhiều vào.”

Diệp Khê che khăn voan, hai tay ôm cổ hắn: “Không thèm, lại tưởng nuôi heo chắc.”

Lâm Tướng Sơn cười, vững vàng bế người bước thẳng ra ngoài. Tiệc trong sân cũng tan rồi, Lưu Tú Phượng và cha Diệp đứng trước cửa, châm một tràng pháo.

“Tân phu lang xuất giá!”

Tiếng pháo đùng đùng vang lên, mọi người dự tiệc đều ùa lại. Ai nấy đều biết lúc tân phu lang xuất môn là phải tung “tiền đường”.

Lưu Tú Phượng bưng một mâm đầy đậu phộng, hạt sen, táo đỏ đi tới, kéo tay Diệp Khê cho cậu bốc một nắm. Diệp Khê vươn tay, nắm lấy một vốc rồi rải xuống con đường phía trước. Đám trẻ con và phụ nhân thấy thế liền nhao nhao ùa lại nhặt, những thứ này đem về nhà rang khô làm đồ ăn vặt cũng tốt, bình thường mua ở chợ cũng phải tốn vài văn tiền.

Khi tung mấy hạt đó đi, chiếc vòng bạc nơi cổ tay Diệp Khê lộ ra, ánh bạc lấp lánh nổi bật trên làn da trắng ngần, càng tôn thêm cổ tay mảnh khảnh, đẹp mắt vô cùng.

Mấy thím và ca nhi nhìn thấy mắt đều sáng rực lên, ngưỡng mộ vô cùng, thi nhau hô ầm lên.

“Ôi chà, Khê ca nhi xuất giá mà còn được đeo vòng bạc làm của hồi môn kìa!”

“Cái vòng này nhìn cũng phải mấy lượng bạc ấy chứ, Khê ca nhi tốt số thật, trong thôn mình hiếm ai có được thứ tốt thế này lắm.”

“Thằng Lâm đúng là thương người, cưới ca nhi còn cho đeo vòng bạc.”

Mọi người ríu rít tán thưởng, ai nấy đều hâm mộ Diệp Khê có phúc. Ai chẳng biết ca nhi xuất giá, tiền sính lễ mà không bị nhà mẹ đẻ giữ lại hết là tốt lắm rồi, nhiều nhà còn vơ sạch, để ca nhi tay trắng về nhà chồng. Cha mẹ nào rộng rãi lắm cũng chỉ chia cho một nửa làm của hồi môn. Nào ai được như Diệp Khê, tiền sính lễ giữ hết làm của hồi môn, lại còn được tướng công đặt riêng vòng bạc đeo tay. Được người ta nâng niu thế này, trong thôn chẳng mấy ai có vận tốt đến thế.

Đứng bên cạnh, Lâm Dao càng nhìn càng bốc hỏa, mắt dán chặt vào chiếc vòng bạc nơi cổ tay Diệp Khê, hận đến ngứa răng.

Lâm thị cũng nhìn đến đỏ mắt, chua chát nói: “Nhà họ Diệp đúng là tốt số thật, gặp được con rể chịu bỏ tiền đúc hẳn cho ca nhi nhà mình cái vòng bạc. Ta sống nửa đời người rồi còn chưa từng có nổi một cái vòng đồng, đúng là kiếp này chẳng có cái phúc ấy. Yêu ca nhi, con phải cố mà tranh giành, sau này đeo cái vòng vàng, nở mày nở mặt với người ta.”

Lâm Dao siết chặt tay, móng tay bấu vào lòng bàn tay để lại một vết hằn sâu, y cắn chặt môi, rồi đẩy đám người phía trước ra, sải bước đi thẳng về phía Diệp Khê.

Hết chương 23.

Loading...