Một Ngày Ba Bữa - Phần Nam

Chương 29



Hai người tiếc tiền nên không ăn trưa ở trong trấn, lúc ra khỏi cổng thành chỉ mua bốn cái bánh bao lót dạ. Lâm Tướng Sơn thương phu lang, mua cho Diệp Khê hai cái nhân thịt heo với hành lá, còn mình thì ăn hai cái nhân cải bẹ.

Diệp Khê dĩ nhiên chẳng nỡ để mình ăn mặn một mình, liền giật lấy tờ giấy dầu trong tay Lâm Tướng Sơn, đổi cho hắn một cái nhân thịt.

“Chúng ta ai cũng không nên bạc đãi cái miệng của mình.”

Lâm Tướng Sơn biết phu lang thương mình, cười rồi nhận lấy, hai người vừa ăn bánh bao vừa thong thả đi về nhà.

Thôn Sơn Tú ở xa hơn các thôn khác, đi bộ một canh giờ hơn, Diệp Khê với Lâm Tướng Sơn mới về tới căn nhà trên sườn núi.

Về tới nơi, Diệp Khê lập tức thả bầy gà vịt con trong gùi tre ra sân, lại vào bếp bốc một nắm gạo ném cho chúng.

Đi đường xóc nảy cả buổi sáng, bầy gà vịt con có phần ủ rũ, giờ được ăn thì lại tỉnh táo, Diệp Khê bèn kiếm cái chén đất cũ sứt miệng, múc nước cho chúng uống.

Cho uống nước xong thì để mặc chúng chạy lăng xăng trong sân, dưới chân bờ tường đầy cỏ dại rau rừng, cứ để mặc cho chúng mổ.

“Chuồng gà định dựng chỗ nào cho tiện?” Lâm Tướng Sơn hỏi.

Diệp Khê nghĩ ngợi một lát, thấy làm ở sân sau là ổn nhất. Làm trong sân thì sợ hôi, mà làm ngoài bìa rừng thì lại lo thú hoang đến tha gà.

Lâm Tướng Sơn nghe vậy liền đi vòng ra sân sau. Sau nhà còn có một cái cửa nhỏ thông ra sau núi, hồi trước cái sân này xây tựa lưng vào vách núi, chừa một khoảng chừng năm sáu mét, giờ thấy để xây chuồng gà là hợp nhất, hai bên dùng gạch và hàng rào tre vây lại, vừa chắc chắn lại kín đáo.

Diệp Khê cũng thấy chỗ đó ổn, mà bên trái phòng chứa củi còn có thể dựng thêm cái chuồng heo nữa.

Nói làm là làm, Lâm Tướng Sơn xách dao chặt củi đi thẳng vào bụi trúc, tính chặt chừng bốn cây trúc to mang về.

Về tới sân, hắn ngồi xuống dùng dao chẻ trúc thành những nan nhỏ, lát nữa còn dùng đan thành cổng rào cho chuồng gà.

Diệp Khê cũng chẳng rảnh rỗi, đem miếng mỡ lưng heo ra xử lý. Cắt mỡ thành từng miếng nhỏ đều nhau, rồi bắc nửa nồi nước lạnh, cho hết mỡ vào nồi, nổi lửa lớn đun sôi, nước vừa sôi liền nhanh tay vớt mỡ ra, chủ yếu là trần sơ cho sạch, nấu lâu quá mỡ ra nhiều thì phí lắm.

Nhà nông cái gì cũng phải tiết kiệm từng chút.

Thay nước rửa qua hai lần nữa cho mỡ sạch hẳn, Diệp Khê lại đổ nửa nồi nước nóng, cho hết mỡ vào, để nước vừa xăm xắp mặt mỡ, thêm củi vào lò đun lửa lớn.

Chẳng bao lâu, nước trong nồi chuyển màu trắng đục, mùi mỡ thoang thoảng khắp gian bếp. Khi nước sôi sùng sục, Diệp Khê rút bớt củi to ra, chừa lại lửa nhỏ liu riu ninh tiếp.

Ước chừng mười phút sau, Lâm Tướng Sơn ngồi ngoài sân cũng ngửi thấy mùi mỡ thơm lừng.

Diệp Khê lấy xẻng sắt đảo đều mỡ trong nồi cho khỏi dính đáy. Lúc này, nước trắng đục đã bắt đầu trong dần, váng mỡ óng ánh nổi lên mặt, nhưng vẫn cần đun tiếp.

Tới khi Lâm Tướng Sơn đan xong cổng rào, trong bếp Diệp Khê mới đổ nửa chén rượu trắng vào nồi để khử mùi, vừa giúp mỡ thơm lâu hơn. Thấy đã sắp được, cậu cho mấy hạt đậu nành cùng hai thìa muối mịn vào vại sành rồi đổ hết dầu nóng vào, để đó chờ nguội sẽ đông lại thành lớp mỡ trắng mịn.

Còn phần tóp mỡ chưa khô hẳn trong nồi thì tiếp tục thắng với lửa nhỏ, chờ đến khi đáy nồi rỉ ra thứ mỡ vàng óng, tóp mỡ cũng từ từ teo lại, sủi bọt li ti, gắp thử một miếng, nhai nghe rôm rốp là được.

Chỗ dầu này thì để riêng, dùng xào rau nấu nướng sau này.

“Chồng ơi, lại đây nếm thử tóp mỡ em vừa thắng xong nè.” Diệp Khê gắp một miếng tóp mỡ vàng ruộm từ trong bếp bước ra.

Lâm Tướng Sơn người đầy mạt tre, lòng bàn tay cũng đen nhẻm, ngẩng đầu cười bảo: “Tay anh bẩn lắm, phiền phu lang đút cho anh một miếng.”

Diệp Khê cười tủm tỉm đưa tóp mỡ đến bên miệng hắn, tóp mỡ vừa mới thắng còn hơi nóng, giòn tan, nhai một miếng đã thơm nức, Lâm Tướng Sơn ăn mà gật gù liên tục.

“Mình khéo tay thật, tóp mỡ này còn ngon hơn ở tiệm!”

Diệp Khê cười nói: “Em rắc thêm chút muối mịn với tiêu hoa, nhai vào mới thơm thế đấy. Mình làm hàng rào tre xong chưa?”

Lâm Tướng Sơn đáp: “Còn phải mất thêm lát nữa, anh đan xong sẽ đi đào ít bùn vàng về làm gạch đất.”

“Được, vậy mình cứ bận tiếp đi. Em thắng mỡ xong rồi, tranh thủ làm ít mì, buổi trưa ăn mấy cái bánh bao đó chẳng bỏ dính răng, không cầm cự được tới chiều đâu.”

Lâm Tướng Sơn bận bịu nửa ngày bụng cũng đói meo, liền gật đầu: “Ừ, đúng là phải ăn một chén mới được.”

Diệp Khê để Lâm Tướng Sơn tiếp tục làm việc, còn mình vào bếp nấu mì. Đợi nước sôi, cậu cho vào hai vắt mì sợi, nghĩ bụng dạo này Lâm Tướng Sơn ăn khỏe, sợ bấy nhiêu không đủ, lại thêm vào nửa vắt nữa.

Đây là vắt mì khô mua ở chợ sáng nay, tuy không bằng mì tươi nhà làm nhưng lúc bận bịu ăn tạm cũng ổn, nấu nhanh hơn cả hấp bánh.

Diệp Khê thích ăn loại mì sợi nhỏ thế này, mềm mại dễ nuốt, lại dễ ngấm vị.

Đợi mì chín rồi, chan vào một chén nước dùng gồm một vá nước luộc mì trong veo, một vá rưỡi xì dầu mới mua, rắc chút muối mịn, bỏ thêm nửa nắm hành lá thái nhỏ, cuối cùng cho một thìa mỡ vừa thắng xong vào nước lèo tạo thành một lớp mỡ lóng lánh.

Chờ thêm chút nữa cho sợi mì mềm hơn, cậu chia mì thành hai phần, chần thêm rau cải non, thế là có ngay hai tô mì nóng hổi.

Bên trên rắc một ít tóp mỡ vừa giòn vừa thơm.

Chỉ tiếc là không có trứng gà chiên để ăn kèm. Diệp Khê hai tay bưng hai tô mì từ trong bếp đi ra.

Lâm Tướng Sơn ngửi thấy mùi thơm liền đi rửa tay, hai người ngồi đối diện nhau trên ghế con trong sân, ngẩng đầu nhìn trời xanh ngắt rồi chậm rãi ăn mì.

Diệp Khê ăn ít, dùng chén sứ hoa lam vừa vặn, còn Lâm Tướng Sơn thì bưng cái tô đất to bằng cái mặt.

“Nhà mình không có trứng gà là không được rồi, dù sao có trứng cũng coi như có tí đồ mặn. Đám gà con phải mất tháng nữa mới đẻ được, trong lúc đó chắc phải ra chợ mua, mà ngoài đó đắt lắm. Em tính hôm nào về thăm nhà mẹ hỏi thử coi có xin được ít trứng không. Nhà mẹ nuôi hơn chục con gà mái, trứng nhiều ăn không xuể luôn.” Diệp Khê vừa ăn vừa bàn với Lâm Tướng Sơn.

Lâm Tướng Sơn ừ một tiếng, còn cẩn thận dặn thêm: “Nhưng tiền trứng vẫn nên đưa cho mẹ, mình gả cho anh rồi, hai ta là một nhà, không thể cứ mãi ăn không của cha mẹ được. Vài quả trứng không phải chuyện lớn, nhưng nuôi gà cũng cực nhọc, mẹ cũng vất vả mà.”

Diệp Khê gật đầu, cậu vốn chỉ tính về nhà nhặt ít trứng, vừa rẻ hơn ngoài chợ, lại đỡ cho mẹ phải lặn lội gánh ra trấn bán. Không ngờ Lâm Tướng Sơn nghĩ được cả chuyện đó, trong lòng cậu cũng thấy vui. Như vậy vừa giúp được mẹ có thêm chút đỉnh, lại không để người ngoài chiếm lợi.

“Anh cả còn chưa cưới vợ, cha mẹ cũng đang lo gom góp sính lễ cho anh ấy. Thế này mình vừa có trứng ăn, lại vừa hỗ trợ cho nhà một chút.”

Lâm Tướng Sơn còn dặn thêm: “Nhưng mình nhớ trả cho đúng giá, đừng có rẻ quá đấy.”

Diệp Khê đáp một tiếng, hai người ăn xong, cậu vào bếp rửa ráy, lau dọn sạch sẽ đâu vào đấy. Đến khi bước ra ngoài thì Lâm Tướng Sơn đã làm xong cái cửa rào cho chuồng gà.

Hắn vác cái gùi lên, nói với Diệp Khê: “Anh định ra khe núi xúc ít bùn vàng về làm gạch đất, tranh thủ hôm nay nắn luôn mấy viên, phơi khô rồi còn xây tường cho chuồng.”

Diệp Khê gom hết quần áo bẩn mấy hôm nay bỏ vào chậu, lại lấy thêm chày giặt với mấy quả bồ kết: “Em đi với mình, tiện thể giặt đồ luôn, ở nhà giặt tốn nước lắm.”

Lâm Tướng Sơn liền đưa tay đỡ lấy cái chậu từ tay Diệp Khê, hai người khóa cửa sân rồi cùng nhau ra bờ suối.

Dòng suối trên núi chảy từ đỉnh xuống, tụ lại thành một cái ao nhỏ rồi men theo khe nước mà chảy xuống dưới đồng bằng, nước quanh năm không cạn, đến mùa đông cũng chẳng đóng băng.

Diệp Khê vừa tìm được một chỗ sạch sẽ, định ngồi xuống giặt đồ thì Lâm Tướng Sơn gọi với: “Khoan đã!”

Diệp Khê đứng yên ngẩng đầu nhìn hắn: “Sao thế?”

Đêm hôm trước có một trận mưa thu lất phất, đất ven suối bị mưa dầm cho trơn trượt, hắn sợ Diệp Khê đi qua đó trượt chân ngã xuống.

“Chỗ này trơn lắm, dễ bị ngã, để anh đi tìm mấy tấm đá lát cho mình ngồi.”

Nói rồi, Lâm Tướng Sơn xoay người vào rừng, lát sau hắn khiêng ra mấy phiến đá xanh, dùng cuốc xới lớp bùn nhão bên cạnh lên, lót mấy tấm đá xuống.

Lâm Tướng Sơn cuốc nện chắc rồi giẫm thử, mới nói: “Được rồi, mình giặt ở đây đi.”

Diệp Khê liền bưng chậu gỗ lại gần, nước suối vừa từ trên núi chảy xuống mà không lạnh ngắt, chạm tay vào còn có chút ấm.

Lâm Tướng Sơn nói: “Trên đỉnh núi có dòng suối nóng, nước chảy xuống hoà với suối lạnh, nên nước mới âm ấm như vậy.”

Diệp Khê vui vẻ nói: “Nếu mà nó chảy thẳng về nhà mình được thì tốt quá, vậy thì khỏi cần đun nước rửa mặt, lúc nào muốn dùng cũng có luôn.”

Cậu chỉ thuận miệng nói vậy thôi, nhưng Lâm Tướng Sơn lại thấy ý tưởng này không tồi, liền đo đạc khoảng cách từ con suối đến sân nhà mình một lượt, ước chừng hai mươi trượng, cũng không xa lắm. Nếu thật sự dẫn được nước vào sân thì Diệp Khê giặt đồ, nấu nướng cũng chẳng cần phải tiết kiệm nước nữa.

Huống chi chỗ này trơn trượt, mùa mưa nước nhiều, để một mình cậu đến đây, hắn cũng không yên tâm.

“Anh thì thấy được đấy. Chỉ cần đào chuyển hướng dòng suối một đoạn về phía sân nhà mình, bên trong lòng suối rải đầy đá cuội, rồi trong sân đào một cái ao chứa nước, để nước suối lúc nào cũng chảy vào, đồng thời có lối cho nước thừa chảy ra, giữ cho nước trong ao luôn sạch sẽ, dùng bao nhiêu cũng tiện.”

Diệp Khê: “Vậy phiền lắm không mình? Có tốn sức nhiều không?”

Lâm Tướng Sơn lại chẳng cho đó là chuyện gì to tát, chỉ cần có thể sửa sang cho cái sân nhỏ của hai người ngày một tốt hơn thì dù có tốn bao nhiêu công sức hắn cũng chịu.

“Cứ yên tâm chờ chồng làm cho em là được rồi.”

Hết chương 29.

Loading...