Chớp mắt đã đến tiết lập đông, phải đem cất chăn mỏng đi. Trong tủ còn hai chiếc chăn dày là của hồi môn của Diệp Khê khi xuất giá, giờ được lấy ra phơi nắng, mấy hôm nữa sẽ dùng tới.
Diệp Khê cầm cây phất trần bằng lông gà, đang đập đập chăn ngoài sân. Nhân lúc mấy hôm nay trời đẹp, phơi cho kỹ hai ngày, đến lúc đắp lên mới thấy ấm áp, mềm mại hơn.
Vừa đập xong chăn, cậu phát hiện chị dâu Lý Nhiên không biết đến từ lúc nào, đang đứng ở cửa sân, mỉm cười chờ cậu ngẩng đầu lên trông thấy.
“Chị dâu tới rồi à, mau vào đi, đứng ngoài cửa làm gì vậy.” Diệp Khê vừa cầm phất trần vừa cười nói.
Lý Nhiên nói: “Vốn định hù dọa em một chút, nhưng thấy em làm việc chăm chú quá, không nỡ quấy rầy.”
Diệp Khê mỉm cười, xách ấm trà vào bếp thêm nửa ấm nước nóng mang ra: “Chị dâu sao cứ như trẻ con thế.”
Lý Nhiên nghiêng đầu nhìn mấy tấm chăn phơi trong sân, khen: “Vỏ chăn này là em thêu à? Nhìn đường kim mũi chỉ đẹp thật đấy, con cá chép tung tăng trong nước sống động lắm.”
Diệp Khê cũng lấy ra một đĩa hạt dẻ rang đường, dúi vào tay chị dâu mấy hạt: “Là của hồi môn em thêu sẵn cho mình trước khi cưới đấy.”
Lý Nhiên bóc vỏ hạt dẻ, vừa ăn vừa trò chuyện cùng Diệp Khê.
Hai người ngồi trong sân nói chuyện chưa bao lâu, ngoài cổng lại có người tới, là thím Vương trong thôn. Bà là người hiền lành, tiếng tăm cũng rất tốt.
“Khê ca nhi có ở nhà không?” Chưa thấy người đã nghe thấy tiếng từ ngoài tường vọng vào.
Diệp Khê đứng dậy ra đón: “Có ạ.”
Vương thị thân hình hơi đẫy đ.à, đi từ dưới núi lên đây cũng đủ khiến bà thở không ra hơi. Đến lúc ngồi xuống rồi, bà vẫn còn thở d.ốc.
“Thím uống chút trà cho đỡ mệt đi ạ.”
Vương thị uống liền nửa chén mới thấy đỡ hơn. Bà nghiêng đầu thấy Lý Nhiên cũng có mặt, bèn chào hỏi: “Dâu nhà Tú Phượng cũng ở đây à.”
Lý Nhiên gật đầu: “Con qua thăm Khê ca nhi, tiện thể giết thời gian thôi.”
Vương thị ồ lên một tiếng, nhìn quanh sân nhà Diệp Khê rồi không nhịn được khen: “Khê ca nhi đúng là người tháo vát, cùng thằng nhóc Tướng Sơn sống với nhau êm ấm biết bao. Nhìn sân nhà được quét dọn sạch sẽ, còn có cả ao nước nữa. Nhà ta toàn dùng giếng thôi, đây là lần đầu tiên thấy nhà có ao đấy.”
Diệp Khê ngồi bên mỉm cười đáp: “Trên núi mà đào giếng thì vừa tốn thời gian vừa tốn bạc, chưa kể còn khó mà đào ra nước. May mà bên cạnh có con suối nhỏ, dùng nước suối tiện hơn nhiều.”
Vương thị nói: “Đúng là nhà mấy đứa biết sống. Đào cái giếng cũng phải ba đến năm lạng bạc chứ ít gì, tiết kiệm được khoản ấy thì làm gì mà chẳng tốt hơn. Mà nước suối ngọt thì hơn giếng nhiều. Ôi chao, Khê ca nhi, còn trồng cả hoa nữa à!”
Diệp Khê vốn thích hoa, mỗi lần Lâm Tướng Sơn vào núi thấy hoa dại đẹp hoặc lan rừng là lại mang về, trồng dọc theo chân tường trong sân, dần dần cũng thành một khoảng nhỏ rồi.
Diệp Khê đáp: “Chỉ là lúc rảnh rỗi tiện tay trồng chơi thôi ạ.”
Vương thị nheo mắt cười nói: “Thằng nhóc Tướng Sơn đúng là biết chiều lòng phu lang, trong thôn này từ già đến trẻ, đàn ông từ bảy mươi tới hai mươi, chẳng mấy ai chịu vì vợ hay phu lang mà trồng hoa đâu, cùng lắm là mấy bông hoa bầu hoa bí trong sân thôi.”
Lời bà nói khiến Diệp Khê và Lý Nhiên không nhịn được cười.
Cứ thế nói chuyện rôm rả một lúc, Diệp Khê mới cười hỏi: “Hôm nay thím tới tìm con có chuyện gì vậy ạ?”
Lúc này Vương thị mới thở dài: “Con gái ta dạo trước mới đính hôn với người bên thôn Sơn Nham gần đây đó. Tháng sau là phải gả đi rồi, vậy mà chăn gối vẫn chưa thêu xong, bộ áo cưới thì thêu xiêu xiêu vẹo vẹo, ta cũng không trông mong nó tự tay thêu được chăn nữa.”
Bà vừa dứt lời, trong lòng Diệp Khê đã đoán ra được bảy tám phần: “Ý thím là muốn con giúp cô ấy thêu chăn cưới?”
Vương thị liền ừ một tiếng, mặt đầy khó xử: “Con gái ta từ nhỏ đã vụng về mấy chuyện may vá, lại không chịu tập tành đàng hoàng. Giờ sắp lấy chồng rồi, phải có chút hồi môn ra hồn cho đẹp mặt. Nếu không có hai tấm chăn tử tế đặt lên giường mới bên nhà chồng, chẳng phải bị người ta cười thối mũi à. Ta cũng hết cách rồi nên mới đến nhờ Khê ca nhi giúp thêu hai tấm chăn cưới. Ta từng thấy tay nghề của con rồi, trong thôn chẳng ai sánh kịp.”
Diệp Khê trầm ngâm, lúc này cậu còn phải làm áo bông cho Lâm Tướng Sơn, cả giày bông cũng chưa bắt tay vào, nếu nhận thêm đơn hàng lớn thế này thì cũng không chắc liệu có kịp không.
Vương đại thẩm thấy cậu có vẻ lưỡng lự, liền vội nắm lấy tay cậu nói: “Khê ca nhi à, từ nhỏ ta đã thương con, vườn nhà có mơ hay trái cây gì, lần nào con tới cũng cho con hái thoải mái, chưa từng keo kiệt. Giờ ta có chuyện này thật sự trông cậy vào con, con nhất định phải giúp đấy.”
Diệp Khê mím môi, cũng khó từ chối, bèn hỏi: “Vậy công thêu tính sao ạ?”
Đã phải bỏ công sức thì tất nhiên cũng phải nói rõ chuyện tiền bạc.
Vương thị nghe hỏi vậy thì biết chắc là cậu đồng ý rồi, liền vội cười tươi: “Công thêu tuyệt đối không để con thiệt đâu, một tấm chăn ta trả năm trăm văn, hai tấm là tròn một lượng bạc.”
Mức giá này khá hợp lý, nếu làm nhanh thì trong một tháng có thể thêu xong, lúc ấy trong nhà cũng có thêm một lượng bạc, Diệp Khê gật đầu hài lòng: “Được, con nhận việc này. Mẫu thêu thím đã chọn chưa ạ?”
Vương thị đáp: “Tất nhiên là phải mẫu gì cho thật cát tường, vợ chồng hòa thuận, ‘uyên ương hí thủy’ thì chắc chắn phải có, còn tấm kia thì…”
Tấm còn lại, bà thật sự chưa nghĩ ra.
Lý Nhiên chỉ vào tấm chăn đang phơi trong sân: “Thím xem ‘cá chép vui đùa dưới nước’ hay ‘liên hoa song sinh’ cũng đều đẹp cả, vừa phú quý vừa bắt mắt.”
Vương thị đứng dậy đi đến trước tấm chăn, đưa tay sờ lên mặt thêu, vô cùng hài lòng: “Ta đã nói rồi, tay nghề của Khê ca nhi là nhất trong thôn. Nhìn xem, thêu như thật vậy! Được, tấm thứ hai cứ lấy mẫu ‘phú quý hoa khai’ này đi.”
Diệp Khê cười nói: “Vậy thím tranh thủ đem vải chăn qua đây sớm nhé, để con bắt tay vào làm cho kịp.”
Vương thị nghe cậu nhận lời thì mừng rỡ ra mặt, việc lớn trong lòng được thu xếp ổn thỏa rồi, bước chân cũng nhẹ nhàng hẳn.
Lý Nhiên nhìn theo, tấm tắc khen: “Có tay nghề cũng tốt thật đấy, thêu hai tấm chăn mà kiếm được hẳn một lượng bạc.”
Diệp Khê cười nhẹ: “Chị dâu chưa biết đấy thôi, thêu chăn cực lắm, mỏi cổ khô mắt chưa nói, lại còn cực kỳ tốn thời gian. Nếu không phải vì muốn để dành tiền, thì em cũng không muốn nhận đâu.”
Lý Nhiên hỏi: “Nhà thiếu tiền dùng à?”
Diệp Khê lắc đầu, rồi nói ra kế hoạch của mình và Lâm Tướng Sơn: “Bọn em tính sang xuân mua một mẫu đất cát. Mà đã mua đất thì không thể không có trâu. Hai thứ này thứ nào cũng tốn bạc cả, nên em cũng muốn đỡ đần cho chồng em một chút.”
Phu quân nhà cậu không đi làm quan đạo thì vào núi săn bắn chặt củi, mấy lần ra sông đánh cá cũng chẳng thu được bao nhiêu, còn phải lo ruộng đồng trong nhà, thật sự rất vất vả. Nếu năm sau mua được đất, sắm được trâu, thì chồng cậu cũng không cần phải quay cuồng vất vả như thế nữa, chỉ cần lo ruộng nhà cũng đủ sống rồi.
Lý Nhiên nói: “Hai đứa tuy nhỏ tuổi nhất nhà, nhưng lo toan cuộc sống còn đâu ra đấy hơn cả anh chị. Giá mà chị cũng giúp đỡ được cho gia đình như em thì tốt rồi.”
Lúc này nàng có hơi hối hận, sao ngày trước không học lấy một cái nghề, chỉ chăm chăm theo cha mẹ mổ heo làm thịt.
Diệp Khê an ủi và hiến kế: “Nghe nói mẹ chị nuôi heo và làm lạp xưởng giỏi lắm, chị từ nhỏ cũng nhìn quen rồi, chắc cũng học được ít nhiều. Giờ sắp đến Tết rồi, hay là chị về bàn với anh cả thử xem, nhà mình cũng nuôi được mấy con heo, đến Tết mổ rồi làm lạp xưởng mang lên trấn bán, cũng kiếm được ít tiền công đó.”
Dân trong thôn có nhà thì tự mổ heo làm lạp xưởng, nhưng dân trên trấn thì đều phải mua ở chợ. Nếu làm ra lạp xưởng ngon mà giá phải chăng, thì chắc chắn sẽ bán chạy.
Lý Nhiên bừng tỉnh, vỗ tay cái bốp: “Phải ha, chuyện này thì chị lại rành đấy!”
Hai người bàn xong, quyết định sáng mai sẽ lên trấn một chuyến. Diệp Khê muốn đến tiệm vải bán mấy cái khăn tay, tiện thể mua vài thước vải mới cho Lâm Tướng Sơn, còn Lý Nhiên thì đến tiệm hương liệu hỏi giá các loại gia vị cần dùng cho món lạp xưởng.
Ngồi thêm một lát, Lý Nhiên cáo từ ra về.
Diệp Khê đứng dậy, trộn thức ăn cho gà vịt, rồi lại chặt cỏ nấu cám heo đổ vào máng, nhìn hai con heo há mõm lên đớp lấy đớp để.
Lo xong cho đám gia cầm gia súc, Diệp Khê lại ra vườn chăm rau, hành tỏi đã cao tới đầu gối.
Dây mướp đã khô héo, đến lúc thu hoạch đợt mướp cuối cùng rồi. Cậu hái mấy trái mướp to nhất trên giàn, đã già cỗi đến độ bắt đầu xơ rồi, về nhà gọt ra làm xơ mướp rửa chén là tốt nhất.
Tận bên trong giàn còn hai quả mướp non cong queo, đem luộc ăn cũng ngon.
Diệp Khê hái thêm một ít ớt cá chạch, loại ớt này nhỏ chỉ cỡ đầu tăm, cũng sắp tàn hết rồi. Tuy nhỏ xíu nhưng lại cực kỳ cay, ăn vào là phải hít hà thở mạnh.
Cậu nhổ hết cây ớt khô và dây mướp, xới lại đất, rồi vào bếp xúc một thúng tro bếp rải đều lên luống rau, bón đất cho màu mỡ hơn thì cây con cũng phát triển tốt hơn.
Khu đất trống mới xới, Diệp Khê trồng thêm vài luống cải hoa và cải bẹ. Cải hoa không sợ lạnh, mùa đông vẫn sống tốt.
Cải bẹ thì có thể làm món cải chua cay, ăn cơm hay cháo đều hợp, mùa đông ăn cay cho ấm người, nếu nhiều thì còn có thể làm món xào nữa.
Xong xuôi, Diệp Khê gánh nước tưới cả vườn rau, rồi định bụng về nấu cơm tối.
Vừa đi đến cửa thì thấy Lâm Tướng Sơn đã về, tay xách một chiếc giỏ tre.
Diệp Khê cười hỏi: “Hôm nay về sớm nhỉ? Em còn chưa nhóm lửa nấu cơm đó.”
Lâm Tướng Sơn đáp: “Vậy để anh nhóm bếp cho.”
“Ừm.” Diệp Khê lại hỏi: “Xách gì vậy?”
Lâm Tướng Sơn đưa giỏ tre cho cậu: “Đi ngang bãi sông, thấy dưới đáy nước có nhiều con hến, nước sông giờ vẫn chưa lạnh buốt, còn bắt được một ít. Qua vài ngày nữa thì chắc không còn thấy nữa đâu.”
Diệp Khê cười, lắc lắc giỏ tre, bên trong lạo xạo đầy vỏ hến màu vàng: “Đúng là trùng hợp ghê, em vừa dọn vườn rau xong, kiếm được hai trái mướp, tối nay nấu canh với hến thì ngon phải biết. Lâu rồi không được ăn món này. Ngon thì có ngon, nhưng mà mắc công lắm.”
Lâm Tướng Sơn xắn tay áo, cười: “Vậy mình phụ trách nấu cơm, còn việc rửa sạch bùn cát thì cứ để anh.”
Diệp Khê: “Được thôi, vậy thì phải nhờ chồng em giúp em rồi!”
Hết chương 44.