Một Ngày Ba Bữa - Phần Nam

Chương 42



Lâm Tướng Sơn và Diệp Sơn dẫm lên ánh sáng sao trời mà trở về nhà. Hai người đàn ông vất vả cả ngày bên ngoài, mồ hôi nhễ nhại, liền rửa tay và lau mồ hôi bằng nước suối trong sân.

Ngửi thấy hương vị đồ ăn từ nhà bay ra, cả hai liền chui vào bếp. Lý Nhiên mang cho mỗi người một chén canh gạo để giải mệt. Diệp Sơn nắm lấy tay vợ, cười trêu: “Chị dâu gì mà cả ngày cứ chạy sang chỗ Khê ca nhi thế này.”

Lý Nhiên trừng mắt nhìn hắn: “Em với Khê ca nhi hợp tính nên mới hay qua đây, huống chi anh không ở nhà, em rảnh rỗi cũng chẳng biết làm gì. Qua ngồi thêu khăn với Khê ca nhi, vừa nói chuyện vừa làm việc, thời gian trôi cũng nhanh.”

Diệp Khê cười nói: “Có chị dâu ở đây, em cũng không thấy buồn nữa. Mai chị em mình cùng lên trấn đi chợ nhé.”

Lý Nhiên vui vẻ đồng ý: “Được đó, cũng lâu rồi chưa đi, lần trước đi là trước khi về nhà chồng kìa.”

Diệp Sơn lắc đầu cười, hai người này cứ như chị em ruột vậy.

Lâm Tướng Sơn giúp Diệp Khê bưng nồi đất đang sôi sùng sục từ trên bếp xuống, ngón tay bị nóng, hắn cố ý đưa tay chạm vào tai Diệp Khê, làm cậu giật bắn mình, trừng mắt lườm hắn một cái.

Lâm Tướng Sơn cong môi cười đắc ý, cả ngày không gặp, hắn nhớ người trong lòng lắm rồi.

Hạt dẻ và lạp xưởng hầm trong nồi thơm lừng, khi mở nắp ra, mùi cơm tỏa ra thơm ngào ngạt, hạt cơm vàng óng ánh trộn cùng cà rốt và nấm, trông cực kỳ bắt mắt.

Diệp Khê múc cho Lâm Tướng Sơn và Diệp Sơn mỗi người một chén cơm đầy, còn mình và Lý Nhiên thì dùng chén nhỏ vì ăn ít hơn. Tối nay không nấu thêm món gì, chỉ lấy ít cuống cải thảo muối trong vại ra trộn với dầu ớt.

Cuối thu, cải thảo trong vườn đều đã thu hoạch xong, phần lá non đem phơi khô để dành xào thịt, còn phần cuống cứng thì muối làm dưa. Mẻ dưa mới muối ba bốn ngày, giờ ăn vừa đúng lúc, chua thanh giòn sật, cực kỳ hao cơm.

Hai người đàn ông đã đói lả, cúi đầu ăn vội nửa chén cơm mới cảm thấy khá hơn một chút.

Diệp Sơn nói: “Vẫn là đồ ăn nhà mình ngon, buổi trưa quan phủ có phát cơm, nhưng chỉ toàn là rau, khoai tây hầm chung với cải thảo, nước canh còn không có váng mỡ nữa chứ đừng nói đến có thịt cá, ăn vào bụng chỉ thấy nhạt nhẽo, đến chiều thì cho thêm một cái bánh bao, cũng chỉ là ngũ cốc tạp, ăn thì no thật đấy nhưng lại chẳng có vị gì.”

Lý Nhiên nghe xong đau lòng, vội vàng gắp vài miếng lạc xưởng cho chồng mình: “Nếu vậy thì sau này các anh cứ mua ngoài phố mà ăn, bánh chan lòng dê ở mấy quán ăn chỉ mười văn một bát, đầy đủ dầu mỡ lắm.”

Diệp Sơn và Lâm Tướng Sơn chính là tiếc tiền: “Một ngày làm việc chỉ được ba mươi văn, nếu mỗi bữa ăn đã tốn đến mười văn thì sao chúng ta nuôi nổi cha mẹ vợ con trong nhà? Vẫn nên tiết kiệm một chút, ăn ở nhà cũng không sao.”

Cả hai đều là những người đàn ông biết chăm lo cho gia đình, Lý Nhiên cũng không khuyên nữa.

Diệp Khê nói: “Vậy sáng mai em sẽ tráng vài cái bánh bột ngô, bên trong kẹp thêm đồ ăn, các anh mang theo để ăn khi đói.”

Lâm Tướng Sơn lo lắng Diệp Khê phải dậy sớm sẽ quá vất vả: “Mang theo vài cái bánh bao là được.”

Diệp Khê cười nói: “Các anh vất vả ngoài kia nuôi gia đình, em chỉ làm chút đồ ăn thì mệt mỏi gì chứ, nếu ăn không tốt sức khỏe sẽ yếu đi, vậy thì ai làm trụ cột gia đình bây giờ.”

Lý Nhiên cảm thấy hợp lý, dù nàng không giỏi làm bánh nhưng món thịt băm xào ớt nàng làm cũng khá ngon, liền nói với Diệp Khê: “Khê ca nhi tráng bánh thì chị sẽ xào chút gia vị cho anh em và chồng em cuốn vào bánh ăn, vừa ngon lại no lâu.”

Diệp Khê: “Được, chị dâu, chúng ta cùng làm vậy.”

Cả nhà quan tâm lẫn nhau, Lâm Tướng Sơn và Diệp Sơn nghe mà trong lòng cảm thấy ấm áp.

Sau khi ăn xong, Diệp Sơn dẫn Lý Nhiên xuống núi về nhà, khi người đi rồi, Lâm Tướng Sơn mới đóng cửa sân lại, đi kiểm tra chuồng gà một lượt xong mới quay vào nhà.

Thời tiết lạnh dần, Diệp Khê đã đun nước để ngâm chân, cậu ngồi ở mép giường, đôi chân trắng nõn mảnh mai ngâm trong nước nóng, hơi ấm dễ chịu khiến máu huyết lưu thông, mặt cậu cũng ửng hồng lên.

“Mình vất vả cả ngày rồi, mau ngâm chân cho đỡ mỏi đi.”

Lâm Tướng Sơn cởi giày, ngồi xuống bên cạnh cậu, đưa chân vào chậu nước. Hắn không có thói quen này, thấy nước hơi nóng nên giẫm lên mu bàn chân của Diệp Khê, các ngón chân khẽ cọ cọ lên làn da mềm mại.

Diệp Khê cười khúc khích, muốn rút chân về, nhưng Lâm Tướng Sơn lại dùng sức, áp chặt lấy chân cậu.

Hai người đùa nghịch một lúc, đến khi nước nguội, Lâm Tướng Sơn mới ra ngoài đổ nước, rồi quay lại cầm khăn lau sạch nước đọng trên chân Diệp Khê.

“Việc làm quan đạo còn mấy hôm nữa là xong. Anh nghĩ sắp vào đông rồi, phải lên núi chặt thêm củi về trữ. Hôm nay nghe một ông lão trong phủ nha nói năm nay tuyết sẽ rơi nhiều, trời sẽ rất lạnh, không chừng còn có tai hoạ, nếu không chuẩn bị củi sớm thì sợ không đủ để đun sưởi mùa đông.”

Phu quân biết lo liệu, Diệp Khê cũng thấy yên tâm, gật đầu nói: “Được, đến lúc đó em theo mình lên núi. Nhân lúc tuyết chưa rơi, chúng ta cũng nên tìm thêm đồ ăn, sợ mùa đông mất mùa thì khổ.”

Không biết từ lúc nào, bên ngoài lại bắt đầu mưa, mưa rơi tí tách trên mái ngói, từng giọt từng giọt từ mái hiên rơi xuống đất, một trận mưa thu một trận lạnh.

Trong nhà, Diệp Khê nằm trong vòng tay ấm áp của phu quân mình, thiếp đi lúc nào không hay.

x

Sáng sớm hôm sau, lúc canh năm trời còn tờ mờ, Diệp Khê đã thức dậy. Trăng vẫn còn treo trên đỉnh đầu, ống khói trong sân nhỏ bốc lên làn khói xanh nhạt, lẫn vào màn đêm.

Lâm Tướng Sơn rửa mặt bằng nước suối ấm xong thì bước vào bếp, thấy Diệp Khê đang tráng bánh.

Trên lớp bột mì đã cán sẵn, Diệp Khê quét một lớp dầu vàng óng, rắc hành lá xanh mướt lên trên. Những ngón tay khéo léo của cậu gấp bánh lại, lật trở nhịp nhàng.

Dầu trong chảo đã nóng già, bánh vừa thả vào bị nhiệt làm giòn lớp vỏ ngoài, nhanh chóng hiện lên một màu vàng sậm hấp dẫn.

Hương dầu nóng bốc lên đầy căn bếp, xẻng trong tay Diệp Khê thoăn thoắt đảo qua đảo lại, chẳng bao lâu đã nướng được mười cái bánh. Cậu dùng dao cắt ra, bên trong là từng lớp từng lớp, xen lẫn muối tiêu và mè trắng, cắn một miếng là vụn bánh rơi đầy.

“Chút nữa em dùng giấy dầu bọc thành hai phần cho mình, đến chỗ làm thì đưa một phần cho anh cả, hôm nay đảm bảo hai anh không đói.” Diệp Khê cười nói.

Cháo trong nồi cũng đã nhừ, là cháo kê nấu với bí đỏ và một ít kỷ tử, vừa bổ lại thanh ngọt. Diệp Khê múc một chén đưa cho hắn.

Nhân lúc Lâm Tướng Sơn uống cháo, cậu lại tranh thủ xào thêm hai món nhỏ, dùng giấy dầu gói lại cẩn thận, buộc gọn thành một túi.

Lâm Tướng Sơn vừa ăn một miếng bánh vừa húp một ngụm cháo, ăn đến no căng, cả người cũng thấy ấm lên.

Trước khi ra cửa, Diệp Khê dúi túi bánh vào tay hắn, bảo nhét vào áo giữ ấm, lại đưa thêm nước và khăn lau mồ hôi.

Nhìn phu lang đảm đang của mình, Lâm Tướng Sơn đứng ngay ngưỡng cửa mà chẳng nỡ đi. Tranh thủ lúc trời còn tối, hắn cúi xuống hôn mạnh một cái lên má Diệp Khê rồi mới xoay người bước vào màn đêm.

Diệp Khê che má, xấu hổ lườm: “Thật chẳng biết ngượng gì hết!”

Đàn ông ra ngoài làm việc, Diệp Khê liền đi cho vịt gà ăn, quét dọn sân, rồi bắt đầu xử lý số hạt dẻ hôm qua nhặt được.

Hôm qua chị dâu đã lấy một túi về rồi mà vẫn còn khá nhiều, nếu để ăn chơi cũng vẫn dư, nên cậu ngồi ngoài sân bóc vỏ, thu được một ít.

Vào trong bếp, cậu dùng mỡ heo làm vỏ bánh, sau đó trộn với hạt dẻ đã hấp chín, nặn thành bánh hạt dẻ. Bên trong cho khá nhiều đường phèn, ăn vào ngọt dịu mềm mịn, thêm một chén trà là đúng bài luôn.

Để lại một phần cho Lâm Tướng Sơn, phần còn lại Diệp Khê cho vào giỏ, đem xuống núi biếu chị dâu với cha mẹ.

Lúc đi gần tới nhà đã thấy mẹ và chị dâu đang phơi bắp ngoài sân, vừa làm vừa cười nói rôm rả.

Diệp Khê đẩy cửa rào, cười nói: “Từ xa đã nghe tiếng hai người rồi.”

Lý Nhiên phủi vỏ bắp trên tay, đáp: “Đang kể với mẹ chuyện mất mặt của tên Tiêu què thôn bên đấy. Khê ca nhi, sao em đến đây vậy?”

Diệp Khê giơ giỏ trong tay lên: “Em lấy hạt dẻ hôm qua làm ít bánh, ăn thấy cũng ngon, mang đến cho mọi người nếm thử.”

Lưu Tú Phượng cười đến nỗi đuôi mắt toàn là nếp nhăn: “Con lấy chồng gần, mẹ cũng được ăn ké một miếng, vừa hay dạo này thèm đồ ngọt lắm rồi.”

Lý Nhiên vào nhà đun một ấm nước lê: “Lê nhà mình chín rồi, trái xum xuê lắm, ăn mãi không hết nên phơi thành lê khô rồi. Lát nữa Khê ca nhi lấy một ít mang về nhé, trời thu đông ăn lê nhiều tốt cho phổi, còn trị ho nữa.”

Diệp Khê gật đầu: “Được, đêm qua nghe chồng em ho mấy tiếng, chắc là cổ họng khó chịu rồi.”

Trời hôm nay hé chút nắng, ba người liền dọn bàn ra sân uống trà ăn bánh. Diệp Khê còn mang theo mấy chiếc khăn tay mới thêu xong, định mang ra trấn bán.

Tay nghề thêu thùa của cậu rất khéo, đường kim mũi chỉ sống động như thật. Lý Nhiên ghé đầu qua hỏi han, hai người vừa trò chuyện vừa trao đổi kinh nghiệm thêu thùa.

Một lát sau, có một đám trẻ con chạy đến cổng, chắc là ngửi thấy mùi ngọt, đứng trước hàng rào mà thòm thèm.

Lũ nhỏ miệng ngọt như mía lùi, nhao nhao gọi “thím cả ơi” với “anh Khê ơi”. Khi Diệp Khê chưa thành thân, mỗi khi làm gì ngon cũng hay chia cho bọn trẻ nếm thử. Vậy nên đám nhỏ lên núi hái được quả dại hay bắt được cua dưới suối cũng sẽ đem cho cậu một ít. Giờ Diệp Khê đã về nhà chồng, nhưng tụi nhỏ vẫn quen miệng gọi “anh Khê”.

Diệp Khê cười, lấy bánh hạt dẻ trên bàn chia cho từng đứa. Có đồ ăn ngon, đứa nào đứa nấy vui không tả xiết.

Lý Nhiên cũng không phải người keo kiệt, bọn nhỏ gọi nàng một tiếng “thím”, đương nhiên cũng phải cho ít đồ ăn vặt.

Nhà vừa hái hồng cất ở dưới hầm, chắc giờ đã mềm và chín đỏ, có thể ăn được rồi. Lý Nhiên đi xuống hầm, vén tấm rèm rơm phủ lên.

Trong hầm là một giỏ hồng to, nàng với tay sờ thử, quả nhiên đã mềm nhũn. Lý Nhiên lấy rổ nhặt một ít mang lên.

Trong mắt người dân quê, trái cây là của quý, nhất là khi đến mùa kết quả, để tránh bọn trẻ con trong thôn lén hái trộm, ai nấy đều phải canh chừng thật kỹ. Nếu là người khó tính mà bắt gặp có đứa ăn trộm, thể nào cũng mắng cho một trận, thậm chí còn kéo tới tận nhà tìm cha mẹ chúng nói cho ra lẽ.

Nếu là cây như mận hay táo kết quả nhiều thì không sao, nhưng mấy giống như đào hay hồng, quả to mà ít, nhà nào nhà nấy đều giấu để ăn, mang ra trấn bán cũng phải hai ba văn tiền một quả lận.

Thấy trong tay Lý Nhiên là những quả hồng căng bóng, bọn trẻ vừa cầm bánh hạt dẻ vừa tròn mắt nhìn chằm chằm. Hồng đã được ủ chín mềm, bóc lớp vỏ mỏng ra, bên trong là phần thịt mọng nước ngọt lịm, chỉ cần nhẹ mím môi thôi là sẽ tan ra trong miệng.

“Thím mời mấy đứa ăn hồng nhé!” Lý Nhiên chia cho mỗi đứa một quả.

Được một lúc hai món ngon, lũ trẻ vừa cảm ơn rối rít vừa kéo nhau chạy vụt đi.

Hết chương 42.

Loading...