Một Ngày Ba Bữa - Phần Nam

Chương 67



Tết đến là thời gian nghỉ ngơi, không cần làm việc gì, Diệp Khê và Lâm Tướng Sơn cứ thế ở nhà chẳng ra ngoài. Diệp Khê lại khéo tay, biết làm đủ món ăn ngon, nào là bánh bao rau tề, sủi cảo hẹ, cải chua xào thịt, miến xào cà tím, chân giò kho tương đậu,… hết món này đến món khác, đến nỗi chính Diệp Khê cũng mập lên không ít, gương mặt trắng trẻo tròn trịa hẳn ra.

Diệp Khê ngồi trên giường sưởi, dùng tay đo đo vòng eo của mình, quả thật là lớn hơn trước kia, vừa ngẩng đầu thì thấy phu quân nhà mình rõ ràng cũng ăn cùng một món, mỗi bữa lại còn dùng chén lớn, thế mà chẳng thấy hắn béo chút nào.

Lâm Tướng Sơn cười dỗ dành: “Chắc tại người anh toàn cơ bắp, còn thân thể mình thì mềm mại, da thịt cũng mịn màng, vậy ôm mới đã.”

Trước kia Diệp Khê hơi gầy, cổ tay nhỏ nhắn, đến độ lúc ở trên giường, Lâm Tướng Sơn cũng không dám dùng sức, sợ làm gãy mất tiểu phu lang nhà mình. Nay thấy Diệp Khê có da có thịt hơn, mặt cũng đầy đặn, đôi mắt tròn xoe, môi đỏ răng trắng, càng ngắm càng khiến người ta yêu thích không thôi.

Diệp Khê đưa tay ra nhéo cánh tay của Lâm Tướng Sơn, quả thật là cứng như đá, cậu phồng má hậm hực: “Sao mình không nói là để em béo thành quả bóng cho vừa lòng luôn đi.”

Lâm Tướng Sơn đưa tay ôm lấy eo Diệp Khê, nhẹ giọng nịnh nọt: “Mình có thế nào anh cũng thích, trên đời này không có ai tốt hơn phu lang nhà anh đâu.”

Hơi thở của Lâm Tướng Sơn phả vào tai Diệp Khê ngưa ngứa, không nhịn được bật cười. Lâm Tướng Sơn không để cậu chạy, siết chặt vòng tay, giữ người lại trong lòng mình.

Diệp Khê đưa tay đẩy hắn ra, nhưng đẩy không nổi, chuyển sang cào chọc cho hắn nhột, ai ngờ Lâm Tướng Sơn lại chẳng sợ, ngược lại làm Diệp Khê bị chọc đến cười khanh khách.

Tiếng cười đùa đánh thức nai con và dê cái trong nhà, bốn con mắt tròn xoe tò mò nhìn hai chủ nhân đùa giỡn nhau trên giường đất.

Đúng lúc ấy, Lý Nhiên và Diệp Sơn tới chơi, còn chưa vào sân đã nghe thấy tiếng cười giòn giã trong nhà, hai người liếc nhau, biết ngay là em trai và em rể lại đang tình tứ với nhau.

“Chúng ta đến không đúng lúc nhỉ?” Lý Nhiên đứng dưới mái hiên cười nói.

Thấy anh chị tới nhà, Diệp Khê vội kéo lại cổ áo, xỏ giày xuống giường ra đón. Vừa ra khỏi cửa đã bắt gặp ánh mắt cười đầy ẩn ý của Lý Nhiên, làm Diệp Khê đỏ bừng cả mặt.

“Anh chị tới mà sao không gọi một tiếng?”

Lý Nhiên cười: “Thấy em với em rể đang vui quá, không nỡ phá ngang, nên mới đứng đây chờ một lát.”

Lâm Tướng Sơn da mặt dày, chẳng chút xấu hổ mà mời: “Mời anh chị vào nhà ngồi.”

Vào bên trong, Diệp Sơn cười nói: “Chị dâu của em không ngồi yên được, cứ đòi đến chơi đánh bài lá.”

“Bài lá” là một trò chơi dân gian dùng bộ bài giấy hình dài với bốn loại hoa, bình thường dân quê không có thời gian rảnh để chơi, chỉ vào dịp Tết hay lúc nông nhàn mới có dịp tụ tập.

Nghe vậy, Diệp Khê cười đáp: “Cũng lâu rồi chưa chơi, nhưng mà em chơi dở lắm.”

Lý Nhiên cười: “Chính vì em chơi dở nên chị mới tìm đến, định thắng mấy đồng mua quà vặt đây.”

Thế là bốn người ngồi trên giường đất đánh bài lá. Diệp Sơn và Lâm Tướng Sơn đều có chút tay nghề, Diệp Khê thì đánh khá cẩn thận nhưng trình độ có hạn, còn Lý Nhiên thì luôn miệng kêu sẽ “đại sát tứ phương”, kết quả lại thua te tua, chỗ tiền đồng trước mặt đều trôi sang hai vị đại gia ở đối diện hết.

Đang chơi vui thì Ly ca nhi và Lý Tập ghé qua, còn đặc biệt mang theo một túi hạt óc chó, Ly ca nhi cười nói: “Là mẹ ta phơi đấy, giờ vừa lúc làm món nhắm.”

Diệp Khê liền nhường chỗ cho họ vào chơi cùng, còn mình thì đi xuống bếp làm chút đồ ăn.

Ly ca nhi cười: “Vẫn là Khê ca nhi khéo tay, cái gì cũng có thể làm thành đồ ăn vặt. Ta thấy Tết này trông ngươi có vẻ tròn trịa hơn rồi đó.”

Diệp Khê nhéo nhéo má mình, có chút rầu rĩ: “Chứ sao nữa, ngày thường còn làm lụng, giờ nghỉ Tết chẳng làm gì, toàn ăn rồi ngủ, chẳng béo mới lạ.”

Ly ca nhi bật cười: “Béo một chút cũng tốt, nhìn phúc hậu hơn, còn đẹp hơn cả trước.”

Diệp Khê vung tay đánh cậu một cái: “Chỉ biết dỗ ngọt ta thôi.”

Để mọi người tiếp tục ồn ào chơi bài trong nhà, Diệp Khê xuống bếp, ngâm hai chén đậu phộng, lại lấy óc chó Ly ca nhi mang đến kẹp vào khe cửa đập cho vỡ vỏ, Lâm Tướng Sơn nghe thấy động tĩnh thì đi ra giúp phu lang.

Ngón tay của Lâm Tướng Sơn thô ráp, không dễ bị xước, chỉ sợ phu lang nhà mình bóc hạt đến đau tay nên liền ôm hết việc vào người, ngồi trước bếp đập hạt óc chó.

Nhà có khách đến, Diệp Khê làm chủ nhà dĩ nhiên phải nấu chút gì đó ngon ngon để đãi khách.

Đậu phộng ngâm cho mềm, cạo sạch lớp vỏ đỏ bên ngoài rồi cho vào chảo rang khô, đến khi giòn thì đổ ra, rồi dùng chày giã nhuyễn cùng với nửa chén nếp.

“Chồng ơi, anh đi vắt ít sữa dê nhé, em cho vào đó làm sữa đặc ăn.”

Lâm Tướng Sơn xách chậu ra mái hiên vắt sữa dê.

Diệp Khê đổ sữa vào nồi đất đun, sữa vừa sôi lên thì đổ hỗn hợp nếp và đậu phộng đã giã vào, khuấy đều liền tay, cuối cùng thêm hai cục đường phèn để tăng vị ngọt.

Mùi sữa thơm béo bắt đầu quyện với hương đậu phộng, cuối cùng cho thêm chút hoa quế phơi khô, vậy là có ngay món sữa đậu phộng béo ngậy.

Lâm Tướng Sơn bóc được nửa rổ hạt óc chó. Diệp Khê nhận lấy, trần sơ qua nước sôi để khử vị chát.

“May mà hồi trước em mua dư ít đường, nếu không thì chẳng đủ dùng rồi.” Diệp Khê đổ nửa chén đường mía từ ống tre ra.

Đường trong chảo nóng dần tan chảy, Diệp Khê đổ thêm chút nước, khuấy đều ở lửa nhỏ cho thành nước đường, sau đó bỏ hạt óc chó vào tiếp tục đảo liền tay cho đến khi ngả sang màu hổ phách, kéo ra sợi đường là được.

Diệp Khê lại rắc thêm một nắm mè vào, món óc chó hổ phách đã hoàn thành.

Hai món này vừa đủ để nhâm nhi, lại không làm no bụng mà ảnh hưởng đến bữa tối.

Ly ca nhi ăn liền miệng, vừa ăn vừa bảo sẽ đem hết óc chó nhà mình đến cho Diệp Khê.

Diệp Khê dùng muỗng uống sữa đậu phộng, cười bảo: “Đường nhà ta sợ không chịu nổi đâu.”

Lý Nhiên uống hết hai chén sữa lớn còn đòi thêm. Diệp Khê đổ phần còn lại vào túi nước cho nàng mang về nhà uống, dặn đừng tham ăn quá mà uống nhiều.

Trong sân cười nói rộn ràng, như thể tiếng cười cũng có thể làm tan bớt lớp tuyết dày trên đỉnh núi đối diện, mang đến cho ngôi làng miền núi một cái Tết yên lành và ấm no.

x

Tết mới vừa chớp mắt đã qua, những ngày lười biếng cũng theo đó mà kết thúc, người nông dân lại bắt đầu tất bật cho một năm mới.

Tuyết trên mặt đất vẫn chưa tan hết, con sông đóng băng đã dần rã băng, lúc này chính là thời điểm giáp hạt, nhà nông thường tạm hết lương thực dự trữ, đang chờ thu hoạch lúa mì vụ đông.

Người dân quê vô cùng xem trọng tiết lập xuân, thôn Sơn Tú cũng theo lệ tổ chức lễ tế thần Xuân.

Sáng sớm trong thôn đã vang lên tiếng pháo nổ vang trời.

Diệp Khê chải đầu chỉnh tề, khi búi tóc còn cố ý chọn một dải lụa màu xanh ngọc, Lâm Tướng Sơn vừa thấy đã tấm tắc khen: “Đẹp lắm, nhìn tuyết trắng cả mùa đông rồi, giờ đột nhiên thấy màu xanh tươi cỏ cây thế này, lòng anh cũng dễ chịu hẳn.”

Trong bụng hắn lại thầm nghĩ, lần tới lên trấn nhất định phải mua thêm mấy dải lụa màu khác cho phu lang, da em ấy trắng nên dùng màu nào cũng đẹp cả.

“Hôm nay trong thôn tế thần Xuân, có gọi mình đi khiêng trâu không?”

Lâm Tướng Sơn ngồi dưới mái hiên xỏ giày: “Có gọi đấy, anh đi cùng anh cả, mỗi người được trả mười văn tiền.”

Diệp Khê vui vẻ nói: “Đây là chuyện tích phúc, có tiền hay không cũng không sao, mình cứ đi cùng anh cả trước, lát nữa em sẽ ra xem!”

Lâm Tướng Sơn ừ một tiếng rồi vội vàng xuống núi.

Sau khi hắn đi, Diệp Khê sắp xếp lại mọi việc trong nhà, chờ Ly ca nhi đến.

Cuối tháng này Ly ca nhi sẽ thành thân, Lý Tập đặc biệt mua cho cậu ta hai tấm vải tốt để may y phục, hôm nay thì mặc bộ đồ mới màu vàng nhạt, trông tươi tắn hoạt bát lắm.

Diệp Khê nhìn thấy liền cười khen: “Đẹp lắm! Quả nhiên là người đẹp vì lụa, da trắng mặc màu này trông càng trẻ trung.”

Ánh mắt Ly ca nhi duyên dáng khó giấu, ngày thành thân sắp tới, cả người cậu đều rạng rỡ hẳn lên.

Hai người cùng ra đầu thôn, lễ tế thần Xuân đã bắt đầu rồi, đây là sự kiện lớn mở đầu năm mới, nhà nào cũng kéo nhau ra xem náo nhiệt.

Các trưởng bối trong thôn đã bắt đầu tế lễ ở từ đường, dâng thịt, hoa quả và bánh trái tế trời, những ai có vai vế đều phải lần lượt quỳ lạy dập đầu, thắp hương cầu phúc.

Diệp Khê và Ly ca nhi cùng mọi người trong thôn đứng vây quanh ở cổng xem.

Đợi tế lễ xong, đám nam nhân sẽ gõ trống khua chiêng khiêng tượng trâu đất đi rước khắp thôn. Trâu tượng trưng cho đồng ruộng, cầu một năm mùa màng thuận lợi, lương thực dồi dào.

Ngoài ra còn có tượng thần Xuân cùng các vị thần khác cùng đi du xuân, người dân sẽ nối đuôi nhau theo sau, dọc theo con đường làng, băng qua ruộng đồng, đến những cành cây vừa nhú lộc để buộc dây đỏ. Hành động này tượng trưng cho nghênh xuân, đón phúc về nhà.

Sau tiếng pháo nổ, lễ đón xuân bắt đầu. Phía trước là mấy người đàn ông gõ trống, thổi kèn, phía sau là bốn người khiêng tượng trâu đất.

“Nhìn kìa, chồng ngươi với anh cả kìa!” Ly ca nhi chỉ về phía hai người khiêng trâu hô lên.

Diệp Khê ngẩng đầu liền thấy Lâm Tướng Sơn và Diệp Sơn, cười nói: “Trưởng thôn bảo hai người họ khoẻ mạnh, hôm qua còn tới nhà ta gọi họ hôm nay đi khiêng trâu đấy.”

Ly ca nhi hâm mộ: “Nhà ngươi có thể diện thật, chuyện này đâu phải ai cũng làm được đâu. Khiêng trâu xuân thì năm nay chắc chắn được mùa rồi.”

Trong nhóm các thím các cô, Lưu Tú Phượng cũng vui vẻ ra mặt, người ta đều khen nhà bà có phúc.

Trong tiếng trống chiêng rộn rã, dân làng Sơn Tú nối đuôi nhau thành một hàng dài, tiếng cười vang vọng khắp thung lũng, đây chính là sự khởi đầu tốt lành và những niềm mong ước mộc mạc nhất của người nông dân.

Diệp Khê và Ly ca nhi len lỏi trong đám người, đi một vòng cùng đoàn rước, buộc dải lụa đỏ lên cây hoè đầu thôn đang đâm chồi nảy lộc.

Tiếp theo là nghi lễ đánh trâu, mấy người đàn ông sẽ quất roi đánh vỡ tượng trâu đất. Trong bụng trâu có chứa mễ ngũ sắc gồm kê, gạo tẻ, cao lương, gạo lứt và gạo đen. Trưởng thôn sẽ bốc chúng hất ra xung quanh.

Mọi người hứng gạo vào túi vải để đem về nấu ăn, đó là cách để “nhận phúc”.

Diệp Khê và Ly ca nhi đón được mấy nắm, định sẽ nấu cháo. Lưu Tú Phượng còn chạy qua hỏi xem có đón được “phúc mễ” không, thấy trong túi Diệp Khê đã có thì bà mới yên tâm.

Đến trưa, lễ nghênh xuân kết thúc, nhà nào nhà nấy lại về chuẩn bị món “cắn xuân”* cho đúng lệ đầu năm.

*ăn một món gì đó vào ngày lập xuân để bắt đầu một mùa mới

Loading...