Lúc đến trấn Xuân Hạ đã gần trưa.
Xe dừng lại trước một khoảng sân nhỏ.
Hai cửa sân hé mở, bên trong trồng mấy cây ăn quả cành lá xum xuê, che khuất căn nhà nhỏ hai tầng phía sau.
Chu Lân Nhượng ngồi trong xe nhìn phong cảnh yên tĩnh trong sân, tiếng cưa truyền tới.
“Thất thần gì thế?” Thầm Niên giục, “Xuống xe xách đồ phụ mẹ nè.”
Hai mẹ con mang đồ vào, cái cưa trong tay ông cụ dưới gốc cây ngừng lại, chỉnh lại cặp kính lão trên sống mũi.
“Ba.” Thầm Niên gọi ông.
Chu Lân Nhượng ngạc nhiên nhìn Thầm Tùng, gọi theo: “Ông ngoại.”
Ngũ quan Thầm Tùng sâu, hốc mắt sau khi già trũng xuống, làn da thô ráp như vỏ cây khiến khuôn mặt càng thêm nghiêm nghị.
Thấy bọn họ về, phản ứng của ông ấy cũng có chút lạnh nhạt.
Chỉ nhìn Chu Lân Nhượng thêm vài lần, nói với cậu: “Đồ ăn đang hâm nóng trên bếp, ông đã ăn rồi.”
Thầm Niên bới cơm, nói đùa với Chu Lân Nhượng: “Không ngờ lại được đối xử như thế chứ gì? Vừa về bữa đầu tiên đã ăn cơm thừa.”
“Người nhà họ Thầm chẳng có chút dịu dàng nào.” Thầm Niên tự tổn thương chính mình.
Chu Lân Nhượng nhớ tới ngày đầu tiên học ở Lục Trung đã bị Thầm Niên đuổi theo đánh một trận còn lạnh lùng, tàn nhẫn hơn bị cho ăn cơm thừa nhiều.
Cậu hừ lạnh một tiếng: “Quen rồi.”
Nhân lúc thời tiết đẹp, Thầm Niên lên lầu hai dọn dẹp phòng, tháo ga trải giường và vỏ chăn cũ ra, giặt rồi phơi khô.
Máy giặt kiểu cũ trong nhà không được sử dụng, cắm điện, tiếng “lạch cạch” vang lên.
Thầm Niên múc nước giếng, bỏ ga giường vào chậu gỗ, xắn ống quần lên giẫm xuống từng cái một.
Trong sân có rất nhiều dụng cụ nghề mộc truyền thống được sử dụng, có đủ loại rìu, cưa, máy bào, búa, đao, Chu Lân Nhượng nhìn từng cái một.
Một lúc sau, Thầm Tùng gọi cậu qua giúp đỡ. “Cháu đè đầu kia.” Thầm Tùng nói.
Lúc kéo cưa, gỗ rung lên, dễ dàng dịch chuyển.
Chu Lân Nhượng làm theo, Thầm Tùng lại kéo cưa, mùn cưa rơi xuống.
“Năm nay cháu định tới Phục An học à?” Thầm Tùng hỏi, ông ấy chỉ nghe Thầm Niên nói qua điện thoại vài câu.
“Cháu học hết cấp 3 ở đây ạ.” Chu Lân Nhượng nói. “Cũng tốt.”
Khúc gỗ dưới tay không ngừng rung lên, không biết vì sao Chu Lân Nhượng lại nhìn thấy chút cảm xúc vui vẻ trên gương mặt nghiêm túc của Thầm Tùng.
“Đến đây học đã thích ứng chưa?” Qua một lúc lâu Thầm Tùng lại hỏi một câu.
“Vẫn ổn ạ.” Chu Lân Nhượng nói.
“Số điện thoại của ông viết trên cửa sân.” Thầm Tùng nói.
Chu Lân Nhượng nhìn qua Thầm Tùng, thầm cảm thấy ông cụ kỳ lạ đến mức có chút buồn cười, nhưng cậu không thể hiện ra mặt, chỉ nói: “Dạ, chút nữa cháu sẽ lưu.”
Trong ấn tượng của Chu Lân Nhượng, số lần cậu gặp Thầm Tùng có thể đếm được trên đầu ngón tay. Lần này trước khi về trấn Xuân Hạ cậu thậm chí đã sắp quên ông ngoại có dáng vẻ thế nào.
Lúc còn trẻ, tính tình Thầm Niên hoang dã lại hung dữ.
Mẹ mất sớm, ba thì nghiêm túc cố chấp nên quan hệ của hai ba con không tốt, thường xuyên không hợp nhau.
Lúc trước Thầm Niên muốn gả cho Chu Thừa Bách, Thầm Tùng không đồng ý. Ông ấy làm thợ mộc đi đây đi đó, đôi mắt sắc bén biết nhìn người, ông nói thằng nhóc đó không phải người có thể giao phó cả đời, cô ấy muốn gả thì đừng quay về.
Thầm Niên không tin, nhất định phải gả đi, sau này thật sự ngã đau.
Thầm Niên hiếu thắng, dù đã mang thai cũng không về nhà, sinh Chu Lân Nhượng ra rồi nuôi cậu ở bên ngoài. Vì nuôi đứa bé này, cô ấy đã phải tiết chế tính tình của mình lại.
Cho đến khi bỏ đi vào năm Chu Lân Nhượng tám tuổi, Thầm Niên chịu đựng cơn đau gọi điện thoại cho Thầm Tùng khi đang ở bệnh viện.
Yên lặng như tờ, không ai lên tiếng.
Sau đó Thầm Tùng bảo cô ấy về nhà.
Cái cưa ngừng lại, Thầm Tùng đạp một cái, gỗ gãy phát ra một tiếng.
“Sống với mẹ không dễ dàng, nó có đánh cháu không?” Thầm Tùng hỏi Chu Lân Nhượng.
“Không ạ.”
Chu Lân Nhượng tự nhủ trong lòng, cái đó bọn họ gọi là so tài với nhau. Thua chính là thua, nhưng không gọi là bị đánh.
Nói bị đánh thì mất mặt cỡ nào.
“Nếu nó đánh thì cháu cứ nhường một chút, nếu thật sự quá đáng cứ nói với ông.” Thầm Tùng nói, “Bình thường đừng chọc giận nó, nó tức giận sẽ đau dạ dày.”
“Bệnh dạ dày của mẹ là thế nào vậy ạ?” Chu Lân Nhượng quay đầu nhìn Thầm Niên đang giẫm ga giường.
“Không biết, bệnh cũ nhiều năm rồi.”
Cơm tối vẫn là Thầm Tùng nấu, tài nấu nướng của ông ấy cũng ngang với Thầm Niên, đồ ăn có thể cho vào miệng nhưng được cái thanh đạm hơn.
Cải bông xanh xào, rau chân vịt luộc, ức bò hầm khoai lang, canh khoai mỡ và sườn heo. Thầm Niên nhìn thử đều là những món bổ dưỡng dạ dày.
Trên bàn cơm không ai nói chuyện, ba người im lặng ăn cơm.
Ngoài cửa sân truyền đến vài tiếng chó sủa, theo sau đó là giọng của Nghê Diên: “Ông Tùng…”
Nghê Diên xách theo một túi thịt bò khô đi vào, mặc bộ đồ ngủ cà rốt, mang dép hoạt hình: “Ông Tùng, cô giáo, mẹ con nhờ con mang qua.”
Con chó lớn màu vàng đi theo cô vào trong đang ngửi cái túi nhựa, thèm miếng thịt khô bên trong.
Thầm Tùng vừa nhìn Nghê Diên, vẻ nghiêm túc trên mặt liền bớt đi mấy phần, nói: “Câu Câu hả, cháu cũng về rồi à.”
“Trường cho nghỉ Quốc Khánh nên hôm nay cháu đi nhờ xe của cô giáo về ạ.” Nghê Diên nói.
Thầm Tùng lấy chiếc cốc giấy dùng một lần ra rót nước dừa cho Nghê Diên, “Vậy thì tốt, hai ngày nữa cháu tới dàn nhạc luyện tập với mọi người nhé.”
“Được ạ.” Nghê Diên đáp, “Đến lúc đó ông Tùng cứ gọi cháu là được.”
Chu Lân Nhượng ngừng đũa, nghiêng người về phía Thầm Niên, nhỏ giọng hỏi: “Dàn nhạc gì thế?”
“Ông ngoại con có một dàn nhạc tuổi xế chiều, Diên Nhi cũng coi như là một thành viên…” Thầm Niên nhướng mày cười nói, “Không ngờ chứ gì?”
“Ông ngoại vừa gọi cô ấy là gì thế?” “Biệt danh đó, Câu Câu.”
Nghê Diên uống nước dừa xong Thầm Tùng lại rót đầy, cô nói: “Không cần đâu ạ, cháu uống no rồi, vừa ăn cơm xong nên còn no, bây giờ cháu đi dạo đây.”
“Đại Hoàng, đi thôi.”
Con chó vàng giống như có thể nghe hiểu tiếng người, ăn xong xương sườn Chu Lân Nhượng ném dưới chân bàn, đi vòng qua bàn đến chỗ Nghê Diên.
Đây là chó của thím Lưu ở bên kia đường, ăn cơm trăm nhà mà lớn, mọi người xung quanh đây đều biết nó.
Lúc Nghê Diên còn học cấp hai trong trấn thường cho nó ăn trên đường đến trường.
Con chó vàng lại theo Nghê Diên ra khỏi cửa. Một người một chó tản bộ trên đường nhỏ.
Ánh chiều tà le lói, những ngọn núi cách đó không xa mờ ảo thành những nét mực trên giấy Tuyên Thành, nối thành một dải liên tục như những gợn sóng.
Ánh đèn hai bên bờ sông dần sáng lên, mùi thức ăn bay ra từ cửa sổ từng nhà.
Nghê Diên đi mệt rồi nên dựa vào cây cầu đá để nghỉ ngơi, lướt thấy hoạt động mới vừa phát động của Studying —— Cuộc thi kiến thức lần thứ nhất.
Nghê Diên nhìn chằm chằm giao diện giải thưởng một lúc lâu, quyết định gửi tin nhắn cho L: “Cậu có hứng thú với cuộc thi kiến thức không?”
Kèm theo ảnh chụp màn hình.
Hình thức thi đấu đa dạng, có hai hình thức là cá nhân và đội 2 người, chia làm 3 giai đoạn: cấp 2, cấp 3 và Đại học.
Nghê Diên rất chú ý đến nội dung thi đấu của nhóm cấp 3, “Nó chủ yếu đánh giá nội dung của ba môn Toán, Văn, Anh và các kiến thức trong cuộc sống.”
Toán là nhược điểm của cô, nếu thi một mình tất nhiên không chiếm được ưu thế. Nhưng nếu có thêm L thì tình thế sẽ hoàn toàn khác!
Nghê Diên: “L, cậu là học sinh cấp ba à? Hay là sinh viên?”
Có lẽ vì đang nghỉ Quốc Khánh nên tốc độ online của L nhanh hơn ngày thường.
L: “Cấp ba.”
Nghê Diên: “Thật à? Cậu tuyệt đối đừng giả bộ nai tơ nhé, lúc đăng ký tham gia phải điền thông tin thật để xác minh đó.”
???
Ai giả bộ nai tơ?
Chu Lân Nhượng cắn răng cầm điện thoại.
Nghê Diên: “Nếu chúng ta đều là học sinh cấp ba vậy cậu lập đội với tôi nhé?” Cậu giỏi toán như vậy, tiếng Anh và Ngữ Văn của tôi cũng được, hai chúng ta là một sự kết hợp của hai kẻ mạnh.”
L: “Sao cô không nói là lấy dài bù ngắn.” Lấy dài của cậu, bù cho ngắn của cô.
Nghê Diên gửi một biểu tượng cảm xúc tự chế có nội dung “Đi cùng tôi, bạn không thiệt”, “Nếu chúng ta thực sự giành được giải thưởng, chúng ta có thể chia đôi tiền thưởng.”
Thấy L không trả lời, Nghê Diên không chắc chắn: “Nếu không bốn sáu?”
“Tôi bốn cậu sáu.”
Vẫn không có động tĩnh gì. “Ba bảy? Tôi ba cậu bảy.”
Nghê Diên: “Cũng không thể hai tám chứ anh bạn, cái này có hơi quá đáng rồi.”
Trong sân nhỏ, Chu Lân Nhượng nhìn kim giây trên tường đã quay được hai vòng, bơ người đối diện đủ hai phút mới trả lời: “Được.”
L: “Nếu giành được giải thưởng, tiền thưởng thuộc về cô, tôi không cần tiền.”
Nghê Diên: “Vậy cậu muốn gì?” L: “Còn chưa nghĩ ra.”
Nghê Diên: “Không cần vội, cậu cứ suy nghĩ từ từ.”
Cầu đá lạnh lẽo, cánh tay Nghê Diên ấn tay lên đó để lại vài dấu vết.
Sóng nước lấp lánh dưới cầu, trong đêm nước sông như tấm vải tơ lụa đen.
Cô đợi thêm một lúc.
Điện thoại “tinh tinh” một tiếng, L nghĩ xong rồi: “Vậy cô học tiếng chó sủa đi.”
L: “Giải đặc biệt sủa mười tiếng, giải nhì sủa năm tiếng, giải ba sủa một tiếng, cô cảm thấy thế nào?”
Nghê Diên: “? ? ?”
Nghê Diên: “Tôi cảm thấy chẳng ra sao cả.”
Nghê Diên sờ dấu đỏ trên cánh tay, “Cậu không cần tiền thưởng là vì muốn nghe tôi học tiếng chó sủa?”
Cậu mới thật sự là chó nhỉ?
Nghê Diên: “Có điều bây giờ chúng ta thảo luận những chuyện này vẫn còn quá sớm, không nhất định có thể giành được giải thưởng.”
L: “Có tôi ở đây thì nhất định có thể.” Nghê Diên: Ngài thật sự rất ngông cuồng.
L: “Tiền thưởng thuộc về cô, tôi không cần gì cả, tôi sẽ hỗ trợ cô.” Nghê Diên: “Thật à?”
L: “Ừm.”
Nghê Diên: “Nếu không hai ta thêm WeChat đi? Đến lúc đó tiện liên lạc hơn, tôi có thể nhắc cậu đăng ký và thời gian bắt đầu cuộc thi.”
L gửi tài khoản Wechat qua, Nghê Diên thêm bạn với cậu.
Cậu sử dụng một ảnh đại diện toàn màu đen giống với trên Studying, Nghê Diên tò mò nhấp vào thanh hồ sơ và phát hiện cậu cũng không có vòng bạn bè.
Vô cùng thần bí.